Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 22 tháng 12 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW. Theo đó, Chính phủ đã đưa ra các nhiệm vụ cũng như các nhóm giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2020. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 ban hành “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản của nước ta đã được quan tâm và định hướng lâu dài.
Ngày 09 tháng 01 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nguyên tắc quản lý khoáng sản; các chủ trương lớn đối với quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng một số loại khoáng sản quan trọng. Một số biện pháp mạnh mẽ đã được áp dụng như: dừng cấp phép thăm dò, khai thác mới đối với quặng titan sa khoáng, đá hoa trắng; không cấp phép thăm dò bauxit khu vực miền Bắc, không cấp phép khai thác vàng sa khoáng; dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt, quặng đồng, quặng apatit; không xuất khẩu đá khối; không xuất quặng và tinh quặng đối với quặng chì - kẽm, mangan, cromit.
Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng nâng cao mức và khung xử phạt, nhất là đối với các hành vi làm tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, hành vi khai thác khoáng sản trái phép nhằm tăng tính răn đe. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến thành viên Chính phủ trước khi trình Chính phủ xem xét, ký ban hành.