1. Tình hình tai nạn giao thông
Dưới sự chỉ đạo, giám sát thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp lâu dài và cấp bách để kiềm chế và giảm tai nạn giao thông, năm 2012, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã đạt được những kết quả rõ rệt, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm sâu cả 03 tiêu chí: cả nước đã xảy ra 36.409 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.849 người, bị thương 38.064 người. So với năm 2011, tai nạn giao thông giảm 7.490 vụ (-17,06%); giảm 1.647 người chết (-14,33%); giảm 9.527 người bị thương (- 20,02%). Đây là năm đầu tiên có số người chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 10.000 người tính từ năm 2011 và là năm thực hiện vượt mục tiêu giảm 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình tai nạn giao thông vẫn tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm về số vụ, số người bị thương; tuy nhiên số người chết vì TNGT tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2012, cụ thể: toàn quốc xảy ra 14.491 vụ, chết 4.913 người, bị thương 14.682 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.511 vụ (-9,44%), tăng 244 người chết (5,23%), giảm 2.412 người bị thương (-14,11%). Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2013 xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô chở khách, container và xe tải nặng.
2. Các giải pháp bảo đảm TTATGT và kiềm chế tai nạn giao thông
Để thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế và giảm tai nạn giao thông từ 5-10% trên cả 03 tiêu chí trong Năm An toàn giao thông 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông”, trong thời gian tới, ngoài việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp tại Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT, Bộ Giao thông vận tải tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm để ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể như sau:
a) Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT
- Khẩn trương hoàn thiện dự thảo các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành đảm bảo đúng tiến độ, quy định đầy đủ hành vi vi phạm, mức xử phạt và hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm do hành vi vi phạm gây ra.
- Ban hành Thông tư hướng dẫn về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bao gồm: Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô; quy định về quản lý, khai thác và tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô để tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ. Ban hành các Thông tư quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm về quản lý chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn giao thông trong vận tải đường bộ; quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với thanh tra viên chuyên ngành trong quá trình thực thi nhiệm vụ để tạo tác động nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ.
- Bổ sung các quy định về điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, quy định độ tuổi của lái xe khách, niên hạn của phương tiện trên tuyến cố định được phép hoạt động đêm, quy định mở rộng loại ô tô bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình; bổ sung trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải trong việc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải.
b) Nâng cao công tác quản lý hoạt động vận tải
- Tập trung rà soát, tăng cường các biện pháp quản lý doanh nghiệp vận tải hành khách phải bảo đảm đủ điều kiện kinh doanh, quản lý chặt chẽ luồng tuyến, kiểm tra an toàn xe xuất bến;
- Hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án Đổi mới quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm tai nạn giao thông.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh vận tải các tuyến liên tỉnh; kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt cần phát hiện những đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện phương án kinh doanh đã đăng ký, khoán trắng cho lái xe toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải, bán thương hiệu, không có bộ phận phụ trách ATGT, kiên quyết xử lý nghiêm và thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không đủ tiêu chuẩn và để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
- Thực hiện việc thí điểm tích hợp các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để tiến hành giám sát, phân tích, đánh giá các vi phạm của doanh nghiệp vận tải và xử lý vi phạm về quản lý chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn giao thông trong vận tải đường bộ, đặc biệt là các quy định về trật tự an toàn giao thông (tốc độ, hành trình, thời gian lái xe liên tục). Thực hiện việc thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh báo đồng thời tiến hành rút giấy phép kinh doanh với doanh nghiệp có nhiều vi phạm mà không có biện pháp khắc phục.
c) Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông hợp lý
- Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm. Đảm bảo toàn bộ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông khi đưa vào khai thác phải có đầy đủ các điều kiện tổ chức, đảm bảo an toàn giao thông (sơn kẻ đường, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông, gờ giảm tốc…), đặc biệt lưu ý thiết bị cảnh báo, gờ giảm tốc, biển báo cần thiết tại các vị trí kết nối giữa đường địa phương với quốc lộ, giữa các ngõ hẻm, đường nội bộ với đường giao thông chính; thực hiện nghiêm việc thẩm định ATGT trong giai đoạn thiết kế và thi công đường bộ.
- Rà soát các điểm đen dễ gây tai nạn giao thông, triển khai lắp giải phân cách giữa trên các đoạn tuyến quốc lộ có đủ bề rộng và mật độ giao thông cao; rà soát lại toàn bộ hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn, điều chỉnh lại cho phù hợp; kiểm tra, đánh giá, khẩn trương bổ sung đường cứu nạn, nhất là tại các tuyến đường miền núi có đoạn đường cong nguy hiểm, các tuyến đường đèo, dốc.
- Sớm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ” và Đề án nâng cấp, đổi mới hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến quốc lộ.
d) Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm
- Bộ Giao thông vận tải trực tiếp thành lập các Đoàn kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải tại các địa phương có tình hình tai nạn giao thông tăng cao đồng thời chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhất là tuyến Bắc-Nam;
- Phối hợp với Bộ Công an tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của lái xe khách, tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây TNGT như chạy quá tốc độ quy định, lấn đường, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, dừng, đỗ đón, trả khách không đúng quy định, trọng điểm là trên các tuyến QL1, 5, 14, 18, 51, đặc biệt khu vực miền trung từ Nghệ An - Quảng Trị, Phú Yên đến Bình Thuận; tăng cường hoạt động kiểm tra trong khoảng thời gian từ 22h00 đến 05h00 sáng; xử lý tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, trọng điểm là trên QL1, QL3, QL5, QL70, QL20, QL14; đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống trạm kiểm tra tải trọng xe, trước mắt là đầu tư một số trạm cân di động để ngăn chặn tình trạng xe quá tải gây nguy hiểm đến TTATGT.
e) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người tham gia giao thông
- Tổ chức kế hoạch tuyên truyền Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-BGTVT ngày 13/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng cuối năm 2013 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;