Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri phản ánh kinh phí Bộ Công an phân bổ cho Công an tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kinh phí giám định tư pháp thực chi cao hơn nhiều so với mức thanh quyết toán, nhất là các vụ án trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng cơ bản, tài nguyên - môi trường nên gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí cho người bị tạm giữ, tạm giam bị bệnh nặng phải điều trị tăng nhiều lần so với mức kinh phí được cấp. Các cơ sở điều trị của tỉnh chưa có khu điều trị riêng đối với các trường hợp này nên gặp khó khăn trong việc trông coi, bảo vệ. Đề nghị Bộ Công an quan tâm bổ sung kinh phí cho Công an tỉnh hoàn thành nhiệm vụ.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Gia Lai   

Đơn vị xử lý: Bộ công an   

Lĩnh vực: Bộ công an   

Trả lời:

Tại công văn số 3405/BCA-V11 ngày 05/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

- Về nội dung “Kinh phí Bộ Công an phân bổ cho Công an tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”:

Việc phân bổ ngân sách cho Công an các đơn vị, địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực đảm bảo an ninh, trật tự. Quá trình phân bổ đảm bảo công khai, dân chủ, có ưu tiên cho địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, các lực lượng trực tiếp chiến đấu, các đơn vị biên giới, vùng sâu, vùng xa (trong đó có các tỉnh Tây Nguyên). Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung, nên kinh phí hằng năm Chính phủ giao cho Bộ Công an chỉ đáp ứng khoảng 80% dự toán do Bộ Công an lập. Tuy nhiên, xét về cơ cấu chi thì còn có sự chênh lệch khá lớn, trong đó khoản chi cho con người chiếm tỷ trọng cao (năm 2012 là 77%), khoản chi cho hoạt động thường xuyên khác chiếm tỷ trọng thấp (năm 2012 là 23%). Đối với Công an tỉnh Gia Lai, khi phân bổ kinh phí, Bộ Công an đã có ưu tiên vì đây là địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự nhưng cũng không thể đáp ứng đủ theo nhu cầu của Công an tỉnh. Trong hoàn cảnh khó khăn chung, Công an tỉnh cần chia sẻ với Bộ và Nhà nước, đồng thời cần thực hiện nghiêm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chương trình hành động của Bộ Công an. Trong trường hợp, một số đơn vị, địa phương có nhu cầu chi tiêu đột xuất, chi tiêu lớn phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ mà dự toán ngân sách được giao không thể cân đối được thì cần báo cáo kịp thời về Bộ để xem xét, bổ sung kinh phí cho đơn vị.

- Về nội dung “Kinh phí giám định tư pháp thực chi cao hơn nhiều so với mức thanh quyết toán, nhất là các vụ án trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng cơ bản, tài nguyên - môi trường nên gặp rất nhiều khó khăn:

Đối với kinh phí giám định tư pháp, hiện nay Bộ Công an giao Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm chủ trì đề xuất phương án phân bổ báo cáo Bộ (qua Cục Tài chính). Qua theo dõi cho thấy khoản kinh phí này đã đáp ứng được cơ bản các nhu cầu chi bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan trong và ngoài lực lượng Công an. Đối với các vụ án, nếu yêu cầu chi kinh phí giám định tư pháp lớn mà kinh phí giám định tư pháp được phân bổ không đáp ứng được, thì các đơn vị cần báo cáo về Bộ - qua Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm để phối hợp với Cục Tài chính nghiên cứu, đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ giải quyết.

Thực tế cho thấy, khi thụ lý điều tra một số vụ án lớn trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng cơ bản, tài nguyên, môi trường yêu cầu đòi hỏi phải tiến hành trưng cầu các cơ quan chuyên môn ngoài lực lượng Công an giám định để phục vụ công tác điều tra thì những khoản chi giám định, thẩm định giá trong các lĩnh vực này cần số tiền rất lớn (lên đến hàng tỷ đồng/vụ). Việc trưng cầu giám định chuyên môn này phát sinh không thường xuyên và gắn với từng vụ án cụ thể nên rất khó dự tính trước, không thể bố trí kinh phí đảm bảo theo dự toán kinh phí thường xuyên hằng năm. Do kinh phí hằng năm Chính phủ giao cho Bộ Công an chỉ đáp ứng khoảng 80% dự toán do Bộ Công an lập, nên việc cân đối để cấp kinh phí bổ sung cho Công an các đơn vị, địa phương để chi khoản kinh phí này là hết sức khó khăn. Trong khi đó các cơ quan chức năng của nhà nước chưa ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi cho hoạt động giám định này. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công an đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quy định về kinh phí đảm bảo và chế độ quản lý, sử dụng, cấp phát, thanh quyết toán khoản kinh phí phục vụ công tác giám định cho phù hợp với hoạt động điều tra và công tác quản lý tài chính trong Công an nhân dân.

- Về nội dung “Chi phí cho người bị tạm giữ, tạm giam bị bệnh nặng phải điều trị tăng nhiều lần so với mức kinh phí được cấp. Các cơ sở điều trị của tỉnh chưa có khu điều trị riêng đối với các trường hợp này nên gặp khó khăn trong việc trông coi, bảo vệ”:

Về thanh quyết toán chi phí chữa bệnh cho can, phạm nhân được chi trong nguồn kinh phí thường xuyên do Nhà nước cấp, trại tạm giam, nhà tạm giữ có trách nhiệm thanh toán với bệnh viện. Do khó khăn chung về ngân sách, Công an tỉnh cần cân đối trong chỉ tiêu kinh phí Bộ giao để chi trả. Trường hợp đặc biệt nếu chi phí này phát sinh lớn, Công an tỉnh báo cáo Bộ (qua Cục Tài chính) để xem xét bổ sung kinh phí cho đơn vị. Về việc các cơ sở điều trị của tỉnh chưa có khu điều trị riêng cho người bị tạm giữ, tạm giam, Công an tỉnh cần chỉ đạo Trại tạm giam phối hợp với Bệnh viện đa khoa địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, bố trí một số phòng chữa bệnh trong khu vực của các cơ sở điều trị của tỉnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-BCA-BYT, ngày 09/8/2010 của Bộ Công an, Bộ Y tế; Nghị định số 09/2011/NĐ-CP, ngày 25/01/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung chế độ ăn và khám, chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, tạm giam; quy định tại Điều 26 và Điều 28 Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP, ngày 07/11/1998 của Chính phủ.

Như vậy, đối với Công an tỉnh Gia Lai là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, nên khi phân bổ kinh phí hàng năm Bộ Công an đã có ưu tiên tăng kinh phí cho đơn vị so với mức bình thường. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của nhà nước Bộ chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí theo dự toán của đơn vị, nhưng đối với các khoản kinh phí nghiệp vụ phát sinh lớn, đột xuất ngoài khả năng cân đối của đơn vị thì đơn vị cần báo cáo về Bộ (qua Cục Tài chính) để nghiên cứu, xem xét, bổ sung kinh phí.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: