a) Trong những năm gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, điều này thể hiện qua kết quả thanh tra, kiểm tra những năm gần đây:
- Năm 2009: Thanh tra, kiểm tra 793 cơ sở, xử phạt trên 10 tỷ đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường với số tiền 1,088 tỷ đồng; đã kiểm tra, giám sát việc khắc phục vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty Vedan Việt Nam, Công ty TNHH nhà máy tàu biển Huyndai - Vinashin, Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH Miwon, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa và Công ty TNHH Eclat Fabrics.
- Năm 2010: Kiểm tra, thanh tra 475 cơ sở, xử phạt 22,041 tỷ đồng, đã tham mưu giải quyết các vụ việc đột xuất như: Công ty PT. Vietmindo Energitama vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác than và Công ty CP xây dựng và nội thất Thái Sơn nhập khẩu trái phép ắc quy và vỉ mạch điện tử đã qua sử dụng tại Quảng Ninh, phối hợp xử lý vi phạm của Chi nhánh Công ty TNHH Tung Kuang tại Hải Dương,... Đặc biệt, đã giải quyết xong vụ việc vi phạm của Công ty Vedan, trong đó kinh phí xử phạt và khắc phục hậu quả lên đến trên 1.000 tỷ đồng.
- Năm 2011: Thanh tra, kiểm tra 435 cơ sở, xử phạt 26,708 tỷ đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định.
- Năm 2012: Thanh tra, kiểm tra đối với 467 cơ sở, xử phạt 34,56 tỷ đồng, đã phát hiện nhiều cơ sở, khu công nghiệp (KCN) xả hàng ngàn mét khối nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang (trên 1.500 m3/ngày), KCN Liên Chiểu và Công ty Gốm sứ Cosani; Xí nghiệp chế biến thủy sản Cầu Quan thuộc Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh (xả trên 400 m3/ngày) và Công ty Thủy sản Cửu Long, tỉnh Trà Vinh (xả khoảng 400 m3/ngày); Công ty TNHH Hùng Vương - Vĩnh Long, Công ty cổ phần bia Hà Nội - Nghệ An, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa; Công ty cổ phần Nguyên phụ liệu Dệt may Bình An thuộc Tổng Công ty Việt Thắng (xả khoảng 2.000 m3/ngày) và Công ty TNHH sản xuất Cơ khí và Dịch vụ Đại Phúc (xả nước thải nhiễm dầu và chất thải nguy hại ra môi trường) tại thành phố Hồ Chí Minh.
Qua đó có thể thấy các vi phạm nghiêm trọng về môi trường thời gian qua không chỉ là doanh nghiệp trong nước mà còn có cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, ngoài nỗ lực của các cơ quan Nhà nước các cấp, không thể thiếu sự tham gia giám sát của xã hội, của cộng đồng dân cư, của mọi tổ chức, cá nhân tại cơ sở. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực tham mưu cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc kiểm soát xả thải, xử lý chất thải,… tạo hành lang pháp lý để kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, yêu cầu phải có hệ thống quan trắc tự động 24/24h (đối với các cơ sở có lượng xả nước thải, khí thải lớn), tăng mức phạt tiền cao nhất tới 02 tỷ đồng đối với một hành vi vi phạm hành chính,… Đặc biệt, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-TW ngày 18 tháng 3 năm 2013 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị và khu công nghiệp, các lưu vực sông.
b) Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tập trung xử lý dứt điểm những điểm nóng về môi trường, công khai thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật để tạo áp lực buộc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương.
- Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, trước mắt khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường nhằm tăng cường hơn nữa tính răn đe của các chế tài xử lý vi phạm.
- Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống thanh tra về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương.