Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Hiện nay Nhà nước và các Bộ, ngành đã ban hành chính sách ưu đãi về vốn nhằm hỗ trợ ngành chăn nuôi duy trì sản xuất nhưng người chăn nuôi khó tiếp cận được các chính sách ưu đãi trên do thủ tục xét vay vốn còn nhiều khó khăn và bất cập. Cử tri kiến nghị các cơ quan thực hiện chính sách đơn giản hóa các thủ tục để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Bình Dương   

Đơn vị xử lý: Ngân hàng nhà nước Việt Nam   

Lĩnh vực: Ngân hàng nhà nước Việt Nam   

Trả lời:

Tại công văn số 6336/NHNN-VP ngày 04/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp về đảm bảo nguồn vốn, giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn nợ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp trong đó có các hộ dân vay vốn để phát triển ngành chăn nuôi.

Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, Ngành liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi, thủy sản, tôm theo quyết định 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành văn bản số 4727/NHNN-TD đề nghị các ngân hàng thương mại điều chỉnh mức lãi suất tối đa theo quy định tại Thông tư 16/2013/TT-NHNN là 9%/năm đối với chương trình cho vay đối với lĩnh vực phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm, giúp các hộ chăn nuôi tăng khả năng tiếp cận vốn vay và giảm chi phí sản xuất.

Đến ngày 30/6/2013, dư nợ cho vay hỗ trợ chăn nuôi, thủy sản, tôm theo quyết định 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ tại 5 ngân hàng thương mại nhà nước đạt 51.079,6 tỷ đồng, chiếm 53,6% trong tổng dư nợ cho vay ngành chăn nuôi toàn quốc với 421.595 hộ gia đình, 204 trang trại, 36 hợp tác xã và 1.450 doanh nghiệp đang được hưởng chính sách vay vốn này.

Về thủ tục vay vốn: hiện nay, các tổ chức tín dụng đã và đang tích cực cải tiến và đơn giản hóa thủ tục vay vốn trên cơ sở vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Một số ngân hàng thương mại đang triển khai cho vay với các hình thức đơn giản, phù hợp cho người sản xuất như: cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ tạo điều kiện để người dân tiếp cận dễ dàng với các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Tuy nhiên, một số thủ tục hành chính trong xét duyệt hồ sơ vay vốn thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành khác, được điều chỉnh bởi những quy định khác của pháp luật, như xây dựng và phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp và cầm cố tài sản đăng ký giao dịch bảo đảm, kiểm toán báo cáo tài chính… Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các ngành, cấp có liên quan để đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay.

Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có ngành chăn nuôi, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc sau 3 năm triển khai thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: