Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Về công tác xã hội hóa giáo dục – đào tạo

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Nghệ An    Quảng Ngãi   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chính sách phát triển giáo dục   

Trả lời:

Tại công văn số 6340/BGDĐT-VP ngày 13/ 9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực; ngày 30/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Nhờ chủ trương khuyến khích xã hội hóa giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và các nhân đã bỏ tiền, vốn và công sức đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Vì vậy, nhiều cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, nhiều trung tâm đào tạo nghề, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp ra đời đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; Các văn bản hướng dẫn chuyển đổi các cơ sở giáo dục bán công sang các hình thức dân lập và tư thục của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chậm; Còn nhiều khó khăn vướng mắc về chế độ chính sách cho giáo viên các trường bán công, dân lập nay chuyển sang thành trường tư thục; Các qui định về xác định giá trị tài sản, quyền sở hữu…còn chưa cụ thể, khó thực hiện.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành khảo sát thực tế tại một số địa phương và ghi nhận những khó khăn vướng mắc và đề xuất của đơn vị trong việc áp dụng chính sách xã hội hóa giáo dục. Trên cơ sở đó, đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã giúp cho việc tháo gỡ được khó khăn vướng mắc lâu nay trong việc hưởng ưu đãi về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của các cơ sở đào tạo ngoài công lập, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Hướng dẫn và chỉ đạo sát sao để thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; giá ưu đãi thuê nhà và cơ sở hạ tầng; miễn, giảm phí cơ sở hạ tầng khi xây dựng trường học; ưu đãi trong vay vốn đầu tư, phân phối thu nhập… cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Cùng với việc thực hiện các chính sách xã hội hóa giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội, thực hiện tốt hơn việc phân luồng học sinh, nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Cụ thể: ban hành Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT của quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học, trong đó có quy định liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học; Công văn số 2258/BGDĐT-GDCN ngày 05/4/2013 về việc phối hợp giữa các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và các trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc đồng thời tổ chức đào tạo chương trình trung cấp chuyên nghiệp và chương trình giáo dục thường xuyên trung học phổ thông cho người đã có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; Chỉ đạo các cơ sở đào tạo đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu xã hội phù hợp với quy hoạch chung của ngành và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cụ thể ở từng địa phương.

Phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị phân luồng học sinh sau trung học cơ sở để đưa ra các giải pháp phân luồng học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: