- Xây dựng cơ chế, chính sách dài hạn cho nông nghiệp: Chính phủ xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu, đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia. Nông nghiệp là ngành được ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu… Về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: số 124/QĐ-TTg, ngày 02/02/2012 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó có quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long; số 939/2012/QĐ-TTg, ngày 19/7/2012 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020; số 2033/QĐ-TTg ngày 04/12/2009 phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Bộ Nông nghiệp & PTNT có Quyết định số 1648/QĐ-BNN-TT ngày 7/7/2013 phê duyệt quy hoạch cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2020.
- Đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp: Khuyến khích các tổ chức khoa học và công nghệ hình thành, phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua áp dụng chính sách quy định tại Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 02/11/2011 thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHCN ngày 28/12/2012 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 846/QĐ-TTg; và trình Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn đến 2020. Hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, hiện đại và nâng cao giá trị gia tăng; góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm vùng, miền, sản phẩm an toàn cho tiêu dùng, xuất khẩu. Nông nghiệp về cơ bản đã chủ động về giống, có gần 90% giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên trên 35%. Nhiều địa phương chủ động phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập bình quân từ 500 - 700 triệu đồng/ha; hình thành nhiều vùng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản tập trung.
- Trang bị kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho nông dân: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Bộ Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNNPTNT-BTC-BTTTT hướng dẫn thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg... Bộ đã chỉ đạo các Viện, Trường và các Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng chương trình, giáo trình cho 310 nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp (Bộ xây dựng và nghiệm thu chương trình, giáo trình của 132 nghề). Các lớp đào tạo nghề cho nông dân đã lồng ghép kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại nông sản quốc tế cho nông dân; tuy nhiên, nội dung còn ít, chưa có những lớp chuyên đề riêng.
- Xây dựng trạm thu mua nông sản, giảm bớt các khâu trung gian: Bộ Nông nghiệp & PTNT áp dụng thử mô hình các chợ đầu mối nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2008, sau đó được nhiều địa phương nhân rộng. Bộ phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương chỉ đạo các Hiệp ngành hàng và các doanh nghiệp tăng cường liên kết trong thu mua, xuất khẩu nông sản để giảm các khâu trung gian nhằm đem lại lãi cao nhất cho nông dân. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân trong việc đặt hàng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đề xuất chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm lúa gạo, cá tra để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu. Định kỳ hàng năm tổ chức đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp để đánh giá tác động chính sách nông sản và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong liên kết tiêu thụ, thu mua nông sản cho nông dân.
- Đồng bộ cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn là tiêu chí quốc gia và được quan tâm đầu tư nhiều hơn, hạ tầng cơ bản của nông nghiệp phát triển đáng kể, diện mạo nông thôn được cải thiện. Hệ thống thủy lợi đáp ứng 73,6% nhu cầu sản xuất, dân sinh; năng lực tưới của hệ thống thủy lợi đạt 3,45 triệu ha đất canh tác, đảm bảo tưới cho 6,92 triệu ha trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, tiêu thoát nước cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp, góp phần đáng kể tăng năng suất, sản lượng và chất lượng cây trồng, thủy sản. Riêng đối với đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; và ưu tiên tập trung đầu tư thông qua các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, với tổng số vốn 24.200 tỷ đồng. Nhà nước đã dành tỷ trọng lớn đầu tư hạ tầng thủy lợi, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, hạ tầng thủy sản, các cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè sạt lở bờ sông, bờ biển… theo các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương cho địa phương. Nhờ đó, hạ tầng sản xuất nông nghiệp, thủy sản của vùng nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng không ngừng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản.