Qua ba lần cải cách giáo dục[13] và quá trình đổi mới những năm gần đây, giáo dục (bao gồm cả đào tạo) đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quyết định vào thắng lợi của công cuộc phát triển đất nước.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở bậc đại học, sau đại học, giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề; chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực và nhu cầu của người học; chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Giáo dục còn nặng bệnh thành tích, nhiều cơ sở đánh giá kết quả giáo dục thiếu thực chất. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người, dạy nghề.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nếu không đổi mới, giáo dục có thể trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của đất nước.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục:
1) Tăng cường các yếu tố đảm bảo chất lượng: Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, gương mẫu về đạo đức nhà giáo và đảm bảo năng lực giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ, đủ sức thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Từng bước đảm bảo đầy đủ theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa cơ cở vật chất, thiết bị giáo dục.
2) Đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu theo định hướng phát triển năng lực người học;… Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy cách học và tự học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
3) Đổi mới tư duy đánh giá giáo dục, coi trọng thực chất; Xây dựng văn hóa đánh giá giáo dục (người đánh giá, người được đánh giá, cơ sở giáo dục,…); Xây dựng khung pháp lý, cơ chế đánh giá chất lượng giáo dục;
4) Đổi mới quản lý giáo dục trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về khoa học giáo dục, khoa học công nghệ và khoa học quản lý, từng bước vận dụng chuẩn của các nước tiên tiến;
5) Thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo và kiểm định các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đại học; định kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, công khai kết quả cho xã hội.
6) Tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng giáo dục địa phương, quốc gia và tham gia đánh giá quốc tế làm căn cứ đề xuất chính sách nâng cao chất lượng giáo dục của các địa phương và cả nước.
7) Mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ khoa học và quản lý giáo dục;
8) Đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và của các cơ sở giáo dục; v.v...