Theo quy định tại Khoản 1, Điều 61, mục 3, Chương III của Luật Giáo dục 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009: Nhà nước thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú, cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngày 02/8/2010, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú. Theo đó quy định, điều kiện để thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú phải có ít nhất 50% học sinh là người dân tộc thiểu số là phù hợp.
Đến nay, loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú đã phát triển nhanh trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT để có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bộ cũng đang phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và số lượng viên chức làm việc trong các trường chuyên biệt (trong đó có trường phổ thông dân tộc bán trú).
Hiện nay, các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh dân tộc bán trú không có định biên cho người làm công tác phục vụ; Học sinh bán trú được nhà nước hỗ trợ tiền ăn và gạo. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương các trường có thể tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh, kinh phí trả cho người phục vụ được thực hiện thông qua công tác xã hội hóa của các nhà trường. Hiện nay, một số trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh dân tộc bán trú được Ủy ban nhân dân cấp huyện vận dụng Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/04/2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2000 ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cho phép được ký một số hợp đồng cấp dưỡng để giảm bớt những khó khăn trong việc tổ chức nuôi học sinh bán trú. Số lượng nhân viên hợp đồng này tùy thuộc vào số học sinh bán trú và nguồn ngân sách của địa phương.