- Các trung tâm y tế cấp huyện là đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện do Sở y tế trực tiếp quản lý. Tình trạng này tạo gánh nặng cho các Sở Y tế.
- Công tác quản lý về y tế, dân số trên địa bàn huyện chưa đồng bộ, cụ thể: các đơn vị y tế, dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến huyện do Sở y tế quản lý; trạm y tế xã, thị trấn do Trung tâm y tế huyện quản lý. Vì vậy việc chỉ đạo, điều hành các hoạt động về công tác y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình ở huyện, xã, thị trấn gặp nhiều vướng mắc.
- Tổ chức bộ máy y tế cấp huyện còn chồng chéo, hiệu quả không cao, hiện nay cấp huyện có: bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, phòng y tế, trung tâm KHHGĐ làm cho tình trạng thiếu bác sỹ tăng lên, khó khăn trong việc điều động, bố trí bác sỹ làm việc tại phòng y tế và trung tâm y tế dự phòng.
Do đó, cử tri đề nghị thống nhất mô hình y tế tuyến huyện trên cả nước theo hướng: phân cấp quản lý bộ máy cán bộ y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình theo cấp chính quyền cho phù hợp, đảm bảo thống nhất; tổ chức lại bộ máy y tế cấp huyện tối đa là 3 đơn vị: bệnh viện đa khoa, trung tâm KHHGĐ và cơ quan quản lý; giao các trung tâm y tế cấp huyện, bệnh viện đa khoa tuyến huyện cho Phòng y tế trực tiếp quản lý…
Về các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với việc phân chia cấp quản lý ngành y tế tại tuyến huyện, Bộ Y tế xin tiếp thu những chia sẻ của cử tri. Tuy nhiên, Bộ Y tế xin chia sẻ với cử tri về tổ chức bộ máy tại tuyến cơ sở như sau:
- Đặc thù của ngành y tế là ngành cung cấp loại hình dịch vụ công đặc biệt, hoạt động có tính chất chuyên môn, nghiệp vụ sâu, phải có thời gian dài mới đào tạo được cán bộ y tế có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ tuyến dưới phải được thực hiện thường xuyên. Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và phòng, chống dịch bệnh nói riêng cần có tính liên thông giữa các tuyến. Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh, nhất là dịch bệnh nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng của dịch rất lớn, lây lan nhanh theo cả vùng, khu vực, đồng thời hoạt động phòng chống dịch cần phải huy động tổng lực các nguồn lực ở các tuyến, các đơn vị sự nghiệp có trên địa bàn. Do đó, không thể phân chia quản lý ngành y tế toàn diện theo địa giới hành chính, cấp hành chính như hoạt động của các ngành khác.
- Theo Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới: “Các đơn vị chuyên môn về y tế ở địa phương được quản lý theo ngành”. Việc quản lý theo ngành góp phần đảm bảo hoạt động chuyên môn được triển khai thông suốt, cũng như nâng cao tính hiệu quả của nguồn lực tại địa phương.
- Hệ thống đơn vị sự nghiệp y tế ở địa phương hiện nay đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Ngày 03/11/2011 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7778/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Thông tư 03: “Trong khi chưa sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của liên Bộ Y tế, Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện”.
Định hướng trong thời gian tới tiếp tục thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo văn bản số 7778/VPCP-TCCV để ổn định tổ chức phục vụ các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bộ Y tế sẽ phối với Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương kiện toàn mô hình tổ chức đơn vị sự nghiệp ở các tuyến theo hướng tập trung đầu mối để tăng cường nguồn lực, đồng thời, nâng cao năng lực quản lý để đáp ứng, phù hợp theo vùng, miền, nông thôn, thành thị.