- Về mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp, đề nghị nâng mức cho vay lên 50 triệu đồng/hộ:
Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện 19 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ và theo các quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mức cho vay đối với hộ nghèo là 30 triệu đồng/hộ. Với mức tiền này đã giúp hộ nghèo có điều kiện để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt, tăng thu nhập, cải thiện đời sống dần dần từng bước thoát nghèo. Ngoài việc được vay số tiền 30 triệu đồng/hộ, các hộ nghèo còn được vay vốn của các chương trình tín dụng khác trong số 19 chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội như: Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2007/QĐ-TTg (mức cho vay 8 triệu đồng/hộ), cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định 62/2002/QĐ-TTg (mức vay 8 triệu đồng/hộ/công trình nước sạch, vệ sinh), cho vay xuất khẩu lao động (mức vay 30 triệu đồng/hộ), cho vay học sinh sinh viên (mức vay tối đa 44 triệu đồng/học sinh/chu kỳ 4 năm học),… Vì vậy, thực tế hiện nay, hộ nghèo có thể vay nhiều chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội và mức vay có thể lên đến trên 100 triệu đồng/hộ.
Tính đến 31/7/2013, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đạt 118.698 tỷ đồng với gần 7,1 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ; trong đó: dư nợ cho vay hộ nghèo là 42.368,7 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng dư nợ cho vay 19 chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước; số hộ nghèo còn dư nợ gần 3,1 triệu hộ, chiếm trên 43% tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn cả nước.
Nguồn vốn cho vay các chương trình chủ yếu là từ Ngân sách Nhà nước. Trong điều kiện Ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp như hiện nay, thì việc đưa ra mức cho vay 30 triệu đồng đối với hộ nghèo đã có sự cân nhắc của các Bộ, Ngành, Chính phủ để người nghèo vẫn được vay vốn tín dụng ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nguyện vọng của cử tri và sẽ xem xét để nâng mức cho vay đối với hộ nghèo khi kinh tế phát triển thuận lợi, ngân sách Nhà nước được cải thiện.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng mức cho vay của một số chương trình cho phù hợp với điều kiện thực tế, cụ thể:
+ Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 thay thế Quyết định 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định 126/2008/QĐ-TTg. Theo đó, lãi suất cho vay các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất là 0,1%/tháng, thấp hơn lãi suất cho vay hộ nghèo (0,65%/tháng); mức cho vay nâng từ 5 triệu đồng/hộ lên tối đa 8 triệu đồng/hộ; thời hạn cho vay căn cứ theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay vốn nhưng tối đa không quá 5 năm.
+ Chương trình cho vay học sinh sinh viên: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 thay thế quyết định 157/2007/QĐ-TTg, nâng mức cho vay học sinh sinh viên từ 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên lên mức tối đa 1.100.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, một số chương trình đang được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lấy ý kiến các Bộ, Ngành để trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức cho vay, cụ thể:
+ Chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với 62 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các hyện nghèo: Dự kiến sẽ nâng mức cho vay từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng/hộ và kéo dài thời hạn cho vay đối với người dân tại 62 huyện nghèo để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả hơn;
+ Chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định 62/2004/QĐ-TTg, dự kiến nâng mức cho vay từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hộ.
- Về việc hỗ trợ lãi suất và tăng thời hạn cho vay đối với các hộ nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn:
Hiện nay, Nhà nước có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với hộ dân tại các xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, các hộ dân tại các xã này có thể cùng một lúc được vay nhiều chương trình tín dụng trong tổng số 19 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội như: cho vay hộ nghèo, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho vay phát triển sản xuất đối với các hộ dân tại các xã đặc biệt khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn, cho vay phát triển sản xuất đối với 62 huyện nghèo,… Có những chương trình cho vay lãi suất rất thấp 0,1%/tháng, thậm chí có những chương trình lãi suất cho vay bằng 0%.
Về thời hạn cho vay, được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của người vay. Do vậy, căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng sẽ quy định thời hạn cho vay phù hợp, có thể vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) hoặc trung, dài hạn (trên 12 tháng). Hiện nay thời hạn cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội được quy định tối đa là 60 tháng (5 năm), ngoài ra đối với một số chương trình như: cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho vay học sinh sinh viên, cho vay nhà trả chậm, thời hạn cho vay có thể lên tới trên 10 năm.