Hàng năm, căn cứ vào nguồn vốn bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp, trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định phân bổ nguồn vốn cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các hội đoàn thể theo các tiêu chí, trong đó có:
- Quy mô lực lượng lao động, kế hoạch tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm, diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp của địa phương. Ưu tiên những tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
- Phân bổ theo xu hướng giảm dần đối với các địa phương phát triển, có khả năng cân đối thu chi hoặc đã thành lập Quỹ giải quyết việc làm địa phương có nguồn Quỹ lớn.
Từ khi được thành lập (năm 1992) đến nay, Quỹ quốc gia về việc làm đã tích luỹ được trên 4.286 tỷ đồng (phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố và các hội đoàn thể). Riêng giai đoạn 2006 – 2012, nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung cho dự án vay vốn tạo từ Quỹ quốc gia về việc làm là 1.912 tỷ đồng (bình quân khoảng 240 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ hàng năm mới đáp ứng được 35-40% nhu cầu vay vốn của nhân dân, do đó việc phân bổ nguồn vốn cho các địa phương còn hạn chế. Trong thời gian tới, để đảm bảo tăng nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm cho các tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề nghị Chính phủ xem xét, đảm bảo nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm theo Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 – 2015 để tăng vốn cho những tỉnh có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, dân số đông.