Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Tình hình nhập lậu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là thịt gia cầm bị ôi thối đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất trong nước và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiến nghị Bộ Công Thương cần có biện pháp phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và UBND các địa phương để xử lý nghiêm hành vi buôn lậu các mặt hàng nêu trên. Riêng đối với phương tiện của tổ chức, cá nhân sử dụng để vận chuyển hàng buôn lậu cần phải được tịch thu để răn đe.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Cần Thơ    Bắc Giang    Bắc Ninh    Thanh Hóa   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 7862/BCT-KH ngày 30/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Thời gian qua, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp ở các tỉnh biên giới đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ để thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong công tác ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là thịt gia cầm bị ôi thối thẩm lậu vào nước ta. Tuy nhiên, việc ngăn chặn nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, các mặt hàng nông, thủy sản từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp. Tại các cửa khẩu chính do có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan kiểm dịch động vật và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu nên việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật chỉ mang tính chất nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng cho cư dân ngay tại khu vực biên giới. Việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam chủ yếu diễn ra ở các đường mòn, đường tắt bên ngoài khu vực cửa khẩu (nơi không có lực lượng hải quan, kiểm dịch động vật hoạt động), tại đó lực lượng Biên phòng mỏng, không thể tuần tra kiểm soát 24/24h.

Tình hình buôn bán, vận chuyển mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam vẫn tiếp diễn. Hiện nay, không chỉ riêng mặt hàng cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam mà còn có một số mặt hàng thủy sản khác như: Cá trê, cá quả, ếch, cá trình, baba, tôm… không qua kiểm dịch nhập lậu vào Việt Nam với số lượng lớn và bán với giá rẻ, trốn thuế, đã và đang làm ảnh hưởng đến phát triển thủy sản trong nước, phá giá thị trường và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho thủy sản và nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Thủy sản giống cũng được các đối tượng vận chuyển qua các đường mòn đưa về nuôi giữ tạm thời ở khu vực biên giới sau đó hợp thức hóa nguồn gốc để vận chuyển đi các địa phương khác.

Tình hình nhập lậu gia cầm đã được kiểm soát, tuy nhiên, vẫn diễn biến phức tạp, trước đây, gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào nước ta bị phát hiện, bắt giữ chủ yếu là gà siêu trứng thải loại. Từ khi phía Trung Quốc xuất hiện dịch cúm A/H7N9 thì gia cầm đã bị cấm mua bán trong nước, điều này đã tạo ra một khối lượng lớn gia cầm tồn đọng. Vì lợi nhuận phi pháp, bất chấp hậu quả, bọn buôn lậu đã câu kết với các trang trại tìm đủ mọi thủ đoạn để tuồn số lượng gia cầm này vào tiêu thụ tại thị trường nước ta…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo chức năng, nhiệm vụ, 6 tháng đầu năm 2013 Bộ Công Thương đã ban hành 34 văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; 96 văn bản các loại liên quan đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước xây dựng trên 500 kế hoạch, phương án kiểm tra về an toàn thực phẩm. Được giao nhiệm vụ cơ quan thường trực thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, Bộ Công Thương ban hành 76 văn bản phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án và chỉ đạo Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường về công tác phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.

Công tác kiểm tra xử lý vi phạm: Sáu tháng đầu năm 2013 lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 91.883 vụ, xử lý 48.926 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tổng số thu 177,832 tỷ đồng, bao gồm: phạt vi phạm hành chính 125,073 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu 50,4 tỷ đồng và truy thu thuế 2,358 tỷ đồng. Trong đó, kiểm tra 16.787 vụ việc về an toàn thực phẩm, xử lý 8.140 vụ vi phạm, tổng số thu phạt gần 9 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng ngừa, ngăn chặn, gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; tổ chức ký cam kết đối với các hộ có hoạt động thu gom, vận chuyển, kinh doanh gia cầm. Sau 6 tháng triển khai thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đã kiểm tra, xử lý 1.192 vụ, thu giữ 34.555 kg gà lông, 189.742 kg gà thịt, 644.400 quả trứng gà Trung Quốc, 35.359 kg phụ phẩm gia cầm nhập lậu (nội tạng, chân, cổ, cánh), 888.959 con gà giống, 7.185 vịt con, 12.122 kg chim, giá trị tịch thu tiêu hủy 3.343,4 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 1.138,8 triệu đồng. Đến nay, về cơ bản đã kiểm soát được tình hình, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Đối với mặt hàng thủy sản nhập lậu, từ đầu năm 2013 đến nay lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tịch thu và tiêu hủy khoảng trên 129.116 kg thủy sản nhập lậu (trong đó gồm cá da trơn, cá tầm, ngao, tôm...) riêng lực lượng Quản lý thị trường đã tịch thu và tiêu hủy 29.862 kg và 15.660 con các loại.

Nhìn chung, công tác phòng chống buôn lậu, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường và thu được kết quả nhất định, ngăn chặn sự gia tăng vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng, duy trì trật tự, kỷ cương trong hoạt động thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của xã hội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, khó khăn trong công tác đấu tranh chống vận chuyển gia cầm nhập khẩu là việc niêm phong, kẹp chì đối với phương tiện vận chuyển gia cầm không thống nhất, cụ thể, có phương tiện được kẹp chì, có phương tiện được dán niêm phong bằng giấy. Một số phương tiện vận chuyển gia cầm có Giấy chứng nhận kiểm dịch, có biên bản niêm phong, kẹp chì của Chi cục Thú y, tuy nhiên chỉ niêm phong hoặc kẹp chì đối với cửa sau của thùng xe, trên các nóc thùng xe không được phủ bạt, không có niêm phong, chỉ có các thanh sắt ngang, mỗi thanh sắt cách nhau trên 40 cm. Do đó, các cơ quan hữu quan cần sớm có quy định thống nhất trong việc cấp giấy kiểm dịch, niêm phong, kẹp chì đối với phương tiện vận chuyển gia cầm. Việc xác định gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước hay nhập khẩu rất khó khăn cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra. Để xử lý triệt để các hành vi này, các ngành chức năng cũng cần sửa đổi bổ sung các văn bản theo hướng thống nhất về thủ tục giấy tờ khi vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm và các giấy tờ phải đi theo hàng hoá, xuất trình ngay tại thời điểm kiểm tra để tránh việc quay vòng hoá đơn và hợp pháp hoá thủ tục giấy tờ đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra.

 Các biện pháp tiếp tục triển khai

- Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm hoàn thành việc xây dựng các văn bản xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013; Có chính sách phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hỗ trợ cho người chăn nuôi về con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh cho đàn gia cầm nhằm khuyến khích người dân tích cực chăn nuôi, tăng đàn gia cầm tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường nội địa.

- Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát đặc biệt là các khu vực biên giới, các tuyến đường vận chuyển trọng điểm và triển khai những biện pháp tích cực để ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển nông, thủy sản nhập lậu. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ động phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra chuyên ngành, Ban quản lý các chợ kiểm tra chặt chẽ các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng nông, thủy sản, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khu vực biên giới nhằm ngăn chặn việc vận chuyển mặt hàng nông, thủy sản, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vào thị trường Việt Nam, ngăn chặn việc hợp thức hóa nguồn gốc nông, thủy sản để vận chuyển nông, thủy sản nhập lậu. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường trinh sát và triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, trong đó chú trọng mặt hàng nông, thủy sản tại khu vực biên giới phía Bắc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai...chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông nông, thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển nông, thuỷ sản không rõ nguồn gốc.

- Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo cơ quan chức năng (Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật) thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm nông sản, thủy sản để phát hiện sớm vi phạm và đánh giá nguy cơ lây lan dịch bệnh và nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời thông báo kết quả kiểm nghiệm rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nông sản, thuỷ sản không bảo đảm an toàn thực phẩm; Có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống gia cầm, nông sản, thủy sản trong nước có chất lượng cao với giá cả hợp lý để cung cấp cho các địa phương, góp phần ngăn chặn việc nhập lậu mặt hàng này; Có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi về con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh cho sản phẩm nhằm khuyến khích người dân tích cực chăn nuôi, tăng đàn tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường nội địa. Nghiên cứu ban hành quy trình tiêu hủy gia cầm, sản phẩm động vật, thủy sản trong toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh, đảm bảo môi trường với chi phí hợp lý.

- Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 các địa phương kịp thời đưa tin, tuyên truyền cho người dân không bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu nông, thủy sản, đồng thời phổ biến cho người tiêu dùng hiểu về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm gia cẩm, sản phẩm gia cầm, nông sản, thủy sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh không vì lợi ích cá nhân trước mắt mà gây hại cho người dân và cả nền kinh tế.

Về nội dung kiến nghị tịch thu phương tiện vận chuyển hàng nhập lậu: Hiện nay, đã có quy định tịch thu phương tiện vận tải hàng nhập lậu tại Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại; Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP  ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Căn cứ vào quy định tại điểm c, khoản 13, Điều 1 của Nghị định 06/2008/NĐ-CP, lực lượng Quản lý thị trường sẽ xử phạt theo từng trường hợp cụ thể.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: