Xuất phát từ vị trí Chính phủ là một trong những chủ thể chính trong việc đề xuất sáng kiến xây dựng luật. Với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội, nhiệm vụ và quyền hạn được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Chính phủ (các bộ, cơ quan ngang bộ) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét và đề xuất các sáng kiến xây dựng luật. Để tránh hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng luật, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan đã có những quy định về việc thành lập Ban soạn thảo liên ngành, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, tổ chức, cá nhân (những đối tượng chịu sự tác động của dự thảo luật, pháp lệnh), hoạt động thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý và xem xét, thông qua dự án luật. Do đó, việc giao cho các bộ, ngành soạn thảo và trình dự án luật là cần thiết. Đồng thời, theo quy định hiện nay thì sau khi dự án luật được trình ra Quốc hội thì các cơ quan của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội thông qua cũng đã phần nào khắc phục được những băn khoăn về sự mất khách quan khi giao cho các bộ quản lý ngành soạn thảo dự án luật có liên quan.
Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để nghiên cứu hướng khắc phục khi sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.