Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, do đó giá cả hàng hóa nói chung và giá phân đạm nói riêng khi đưa ra thị trường để trao đổi mua bán sẽ bị chi phối bởi các quy luật của kinh tế thị trường như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh… Doanh nghiệp kinh doanh phân bón được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, kinh doanh phân bón có môi trường cạnh tranh khá mạnh, đặc biệt là sự cạnh tranh về giá bán giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Với vai trò quản lý chung, Nhà nước sử dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp kinh doanh phân bón, của người sử dụng phân bón và lợi ích của Nhà nước.
Năm 2012, Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm và Nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm đi vào hoạt động, góp phần tăng sản lượng phân đạm sản xuất trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất của nông dân. Thị trường phân urê trong nước đã ổn định hơn, không còn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới như những năm trước đây. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có lúc giá phân đạm trong nước sản xuất tăng cao hơn giá phân đạm của nước ngoài sản xuất, nguyên nhân chủ yếu là do:
- Các nhà máy sản xuất phân đạm trong nước hiện nay chủ yếu đều do hai tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, sử dụng công nghệ thiết bị tiên tiến, chất lượng sản phẩm ổn định, tương đương khu vực và trên thế giới. Các doanh nghiệp sản xuất phân đạm cũng rất chủ động trong việc giới thiệu sản phẩm đến bà con nông dân một cách sâu rộng và tích cực tham gia công tác khuyến nông, các chương trình an sinh xã hội. Vì vậy, vào giai đoạn hiện nay phân đạm sản xuất trong nước được tín nhiệm và ưa chuộng hơn so với phân đạm nhập khẩu. Tuy nhiên, do hệ thống phân phối phân bón rất đa dạng và rộng khắp đến các vùng nông thôn (qua nhiều nấc trung gian), các doanh nghiệp sản xuất phân đạm không thể kiểm soát giá bán đến tận tay người nông dân tại khắp các vùng nông thôn trên cả nước nên thực tế có xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng nhất là vào mùa vụ làm cho người dân đã phải mua với giá cao hơn.
- Tuy Việt Nam đã đáp ứng được toàn bộ nhu cầu phân urê trong nước nhưng việc duy trì khoảng cách ở mức hợp lý giữa giá phân urê trong nước và quốc tế vẫn rất cần thiết. Nếu giá phân urê trong nước thấp hơn giá phân urê thế giới sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ, thu gom hàng trong nước để xuất khẩu, gây thiếu hụt nguồn cung. Ngược lại, phân urê sản xuất trong nước phải cạnh tranh với phân urê nhập khẩu, đặc biệt là urê Trung Quốc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, nên các nhà sản xuất trong nước phải duy trì mức giá cạnh tranh để giữ thị trường.
Bên cạnh yếu tố cân đối cung cầu, giá phân đạm sản xuất trong nước còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tính chất mùa vụ, hệ thống phân phối, lưu kho, giá nông sản, giá cả mặt hàng thiết yếu tăng đẩy chi phí vận chuyển và các chi phí đầu vào cho sản xuất phân bón tăng theo, gây ra áp lực tăng giá phân bón. Để giải quyết thực trạng trên, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm bình ổn thị trường phân bón, kiểm soát giá bán phân bón như:
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 về quản lý phân bón và Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp. Đây là cơ sở để lập lại trật tự trong sản xuất và kinh doanh phân bón, hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân và nhà sản xuất.
- Đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng phân đạm: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà sản xuất phân đạm trong nước ổn định sản xuất, phát huy tối đa công suất thiết kế, đảm bảo nguồn cung phân đạm nhất là phân urê đáp ứng đủ nhu cầu trong nước; chỉ đạo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc duy trì lượng phân đạm dự trữ tối thiểu là 70.000 tấn.
- Tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức lại mạng lưới kinh doanh, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối một cách hợp lý, cung ứng phân bón đến tay người tiêu dùng, giảm tầng nấc trung gian.
- Tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường: Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước chú trọng xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, đặc biệt tập trung vào các vấn đề chất lượng phân bón, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.