Theo như quy định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển từ tàu (Công ước MARPOL 73/78) mà Việt Nam đã là thành viên, đối với các loại tàu sông, biển thuộc diện phải áp dụng Công ước thì trên tàu đều phải thiết kế két chứa dầu cặn la canh và lắp đặt thiết bị xử lý, phân ly dầu nước để chỉ thải ra biển dầu lẫn nước với hàm lượng không quá 15 ppm (15 phần triệu). Các loại tàu thuyền loại nhỏ còn lại (tàu cá, tàu thuyền loại nhỏ hoạt động du lịch, vận chuyển ven sông biển được gọi chung là nhóm tàu thuyền dưới chuẩn MARPOL 73/78) thường không được trang bị các thiết bị phân ly dầu nước, do vậy khi hoạt động loại tàu này thường thải thẳng dầu cặn ra ngoài, gây ô nhiễm đáng kể cho vùng biển Việt Nam. Việc kiểm soát, phát hiện việc xả thải dầu cặn bất hợp pháp trên biển thường rất khó vì thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi không có lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, đặc biệt là khi xả thải, họ xả làm nhiều lần với số lượng không lớn nước lẫn dầu.
Nguyên nhân của hành vi xả thải này, ngoài ý thức của chủ phương tiện còn phải kể đến là việc thiếu các dịch vụ, thiết bị tiếp nhận dầu cặn tại các khu vực cảng (thủy nội địa, cảng cá) cũng là một trong những nguyên nhân để các phương tiện phải xả trộm trên biển do không biết chuyển dầu cặn đi đâu… Hơn nữa, việc quản lý nhà nước về vấn đề tàu cá nói chung còn có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng…) và nhiều lực lượng có thẩm quyền kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường…
Để giải quyết vấn đề nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã và đang thực hiện những giải pháp cụ thể:
- Đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản có liên quan đến việc phối hợp và tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển như: Quyết định số 23/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 ban hành Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; …
- Đang xây dựng Dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (trong đó có Chương Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển). Các nội dung trong Dự thảo Luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ tăng cường công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển.
- Đang triển khai thực hiện một số dự án để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong đó có Dự án lắp đặt các trạm ra-đa trên vùng biển Việt Nam theo Công nghệ ra-đa tần số cao (HF rada) để phục vụ cho việc giám sát hiện tượng dầu tràn trên biển cũng như môi trường và tài nguyên sinh thái biển.
Thời gian tới, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển, hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống luật pháp, các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển (trong đó có việc xả dầu thải của tàu cá nước ngoài) nói riêng.
Tuy nhiên, về tổng thể thì việc phát huy vai trò chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải trong quản lý hiệu quả các phương tiện dưới chuẩn này đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển (bao gồm dầu thải, các chất thải khác) do nhóm các tàu dưới chuẩn này gây ra bởi hai đơn vị này là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý hoạt động của tàu cá.