Chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, phân phối, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực đã được quy định tại Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Theo đó, thị trường điện lực được xây dựng theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Ngày 08 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam (thay thế Quyết định 26/2006/QĐ-TTg), theo đó, lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam sẽ được thực hiện cụ thể như sau: i) Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1): tiếp tục thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014; ii) Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2): từ năm 2015 - 2016 (thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm), từ năm 2017 - 2022 (thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh); và iii) Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3): từ năm 2022 - 2023 (thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm), từ sau năm 2023 (thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh).
Ngày 01 tháng 7 năm 2012, Thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành chính thức. Sau hơn một năm vận hành, Thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả bước đầu tích cực: Tạo ra các tín hiệu tốt để thu hút đầu tư mới trong lĩnh vực phát triển nguồn điện; tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện thông qua bản chào giá của nhà máy; giá điện được hình thành theo quy luật cung cầu khách quan; tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện trong thị trường, thúc đẩy các nhà máy chủ động nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giảm chi phí phát điện của các nhà máy.
Đồng thời với việc xây dựng và phát triển các cấp độ thị trường điện, việc cải tổ ngành điện, tái cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một trong những điều kiện tiên quyết cho việc đưa thị trường điện vào hoạt động cũng được khẩn trương thực hiện để đảm bảo vận hành thị trường điện đạt hiệu quả cao. Về nguyên tắc, với tính chất độc quyền tự nhiên, khâu truyền tải điện sẽ được nhà nước giữ độc quyền để đảm bảo an ninh năng lượng theo quy định tại Luật Điện lực. Các khâu phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện sẽ được thị trường hóa nhằm thu hút, đa dạng hóa nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Quá trình từng bước giảm tính độc quyền kinh doanh điện, tái cấu trúc ngành điện đã đạt được một số bước tiến quan trọng: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia được thành lập năm 2008 do nhà nước sở hữu 100% vốn; 5 Tổng công ty Điện lực được thành lập năm 2010 sẽ độc lập trong giai đoạn bán buôn cạnh tranh (dự kiến năm 2015); 3 Tổng công ty phát điện (GENCOs) được thành lập năm 2012, hoạt động hạch toán độc lập, trong thời gian tới sẽ tách độc lập hoàn toàn và được cổ phần hóa theo yêu cầu của Chính phủ. Đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong giai đoạn tiến tới vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (dự kiến năm 2015), Trung tâm sẽ được chuyển đổi thành đơn vị hạch toán độc lập 100% vốn nhà nước với chức năng vận hành hệ thống điện và thị trường điện, qua đó đảm bảo tính độc lập không chung lợi ích với các đơn vị bán điện và mua điện.
Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức của các đơn vị trong thị trường điện và lộ trình tái cơ cấu ngành điện từng bước vững chắc, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành điện.