Về nội dung trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
1. Quản lý chặt chẽ việc đào tạo lái xe
Trong thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nguyên nhân dẫn đến tai nạn có nhiều, song một trong những nguyên nhân chính vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa tai nạn giao thông, trong đó có quản lý chặt chẽ công tác đào tạo lái xe. Để tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác này, theo ý kiến của Đại biểu, ngoài công tác siết chặt quá trình đào tạo, thì quản lý chặt chẽ quá trình sát hạch sẽ góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng đào tạo. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải tiến hành một số nội dung chính sau:
- Quy hoạch các cơ sở đào tạo, sát hạch trên toàn quốc, trên cơ sở nhu cầu thực tế tại các địa phương để tránh mở cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tràn lan gây lãng phí chung cho xã hội, đồng thời tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, dễ dẫn đến cắt xén nội dung chương trình đào tạo;
- Phân cấp quản lý tối đa cho các Sở Giao thông vận tải để nâng cao trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe;
- Yêu cầu các cơ quan quản lý sát hạch lái xe công khai lịch, địa điểm sát hạch trên Trang thông tin điện tử của các Sở Giao thông vận tải để phục vụ công tác kiểm tra đột xuất của các cơ quan có thẩm quyền;
- Tăng cường giám sát các kỳ sát hạch lái xe bằng hình ảnh; công khai kết quả sát hạch lý thuyết và thực hành của các học viên để mọi người đều có thể kiểm tra, giám sát;
- Tiếp tục nghiên cứu để lắp đặt các thiết bị theo dõi, chấm điểm tự động, nhất là quá trình sát hạch 2 km trên đường giao thông công cộng, hạn chế tối đa tác động của con người vào quá trình sát hạch;
- Quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ quản lý; giám sát đội ngũ sát hạch viên để bảo đảm tiêu chuẩn quy định, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ sát hạch viên;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra chuyên môn để nâng cao chất lượng đào tạo; xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo lái xe.
2. Quản lý chặt chẽ công tác đăng kiểm
a) Về công tác quản lý
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cải cách thủ tục hàng chính, tạo điền kiện thuận lợi cho khách hàng và các đơn vị đăng kiểm cơ giới thực hiện nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ hơn.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đăng kiểm viên và người làm công tác đăng kiểm theo quy định.
- Thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người.
b) Kiểm tra xử lý sai phạm: Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động đăng kiểm của các Trung tâm đăng kiểm cơ giới, xử lý nghiêm các sai phạm được phát hiện trong công tác đăng kiểm.
c) Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường”, trong đó có một số nhiệm vụ:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định về công tác kiểm định;
- Hiện đại hóa dây truyền thiết bị và chương trình phần mềm quản lý kiểm định;
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ;
- Tăng cường công ác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời những vi phạm.
3. Quản lý cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải
Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quản lý nhà nước về vận tải đường bộ.