Kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên trong điều hành kinh tế xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong các năm qua.
Để thực hiện mục tiêu trên, hàng năm Quốc hội và Chính phủ đều ban hành các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chỉ đạo điều hành thực hiện quyết liệt các biện pháp đã đề ra trong Nghị quyết.
Năm 2013, thực hiện mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012...; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát như: thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả; chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh phát triển thương mại, tăng cường thu hút đầu tư; tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; nâng cao năng lực công tác thống kê, dự báo. Đồng thời chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ khác đã đề ra tại Nghị quyết.
Bên cạnh đó, trước khó khăn chung của nền kinh tế và của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Căn cứ Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động và chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp đã đề ra. Nhờ vậy, năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức 6,04%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; đồng thời, cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trong lĩnh vực tài chính, thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp; đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền các địa phương, cùng với sự ủng hộ và nỗ lực vươn lên của cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân, năm 2013 Bộ Tài chính chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, thực hiện miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách; Tập trung điều hành quyết liệt thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với khả năng thu; Tăng cường quản lý giá, góp phần kiềm chế lạm phát như đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và đơn vị thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn giá. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp; công khai thông tin về giá theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; những mặt hàng sản xuất theo đặt hàng, giao kế hoạch chi từ NSNN. Bên cạnh đó, trong điều kiện thu khó khăn, Bộ Tài chính đã điều hành NSNN đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời nhu cầu chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và thực hiện điều chỉnh tăng lương; kinh phí cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kiến nghị xử lý các vướng mắc về cơ chế chính sách; đã xuất cấp 96.301 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân vùng bị thiên tai, thiếu đói, giáp hạt.
Năm 2014, thực hiện mục tiêu mà Quốc hội Kỳ họp thứ 6 khoá XIII đã thông qua về phát triển kinh tế 2014 là: “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, ngày 2/1/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó đề ra các giải pháp tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như: Thực hiện chính sách tiền tệ, linh hoạt hiệu quả; Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; Phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát giá cả thị trường; Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Căn cứ Nghị quyết trên, các Bộ, ngành, địa phương sẽ ban hành Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai các biện pháp đã đề ra.
Riêng đối với một số mặt hàng xăng dầu, gas, nhu yếu phẩm thiết yếu sẽ tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, giá xăng dầu tiếp tục được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc: quy định công thức tính giá cơ sở tính theo bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước. Khi giá cơ sở tăng cao vượt biên độ thuộc thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính và Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu kiềm chế lạm phát); Giá gas do các doanh nghiệp kinh doanh gas tự quyết định theo diễn biến giá thế giới và thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước để kiểm soát theo quy định của pháp luật về giá; Đối với các nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường, Nhà nước sẽ tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường thông qua các chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp nông thôn, các Chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển sản xuất, lưu thông và dự trữ hàng hóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội[10]...