Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Căn cứ theo quy định tại Điều 106 của Bộ Luật Lao động hiện hành về làm thêm giờ thì tổng số giờ làm thêm không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm, nên các cơ sở giáo dục - đào tạo chỉ thanh toán tiền dạy vượt giờ cho giáo viên, giảng viên tối đa là 200 giờ/năm, nhưng thực tế, do nhiều điều kiện khác nhau bắt buộc giáo viên, giảng viên phải dạy vượt trên 200 giờ. Số giờ vượt đó không được thanh toán là thiệt thòi cho giáo viên, giảng viên. Do vậy, cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, có giải pháp sửa đổi quy định này cho phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của giáo viên và giảng viên trực tiếp giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đào tạo.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Tiền Giang   

Đơn vị xử lý: Ủy ban về các Vấn đề xã hội   

Lĩnh vực: Lập pháp   

Trả lời:

Tại công văn số 2777 /UBVĐXH13 ngày 26/3/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Bộ luật lao động quy định làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của người sử dụng lao động và nhu cầu muốn làm việc để có thêm thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, việc làm thêm giờ cũng phải bảo đảm sức khỏe cho người lao động, do vậy, tại Điều 106 của Bộ luật lao động quy định trong điều kiện bình thường, người sử dụng lao động được sử dụng lao động làm thêm giờ không quá 200 giờ trong một năm trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm. Giáo viên, giảng viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục – đào tạo không nằm trong các trường hợp được làm thêm từ 200 đến 300 giờ/1năm quy định tại Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ.Do vậy, việc nhà trường phân công giáo viên, giảng viên làm trên 200 giờ/1 năm là không đúng quy định của pháp luật.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: