Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị Chính phủ giải trình rõ vì sao nước ta đã có nhà máy phân bón nhưng giá cả mặt hàng này vẫn chưa ổn định và luôn có chiều hướng biến động tăng.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Đồng Tháp   

Đơn vị xử lý: Bộ tài chính   

Lĩnh vực: Giá   

Trả lời:

Tại công văn số 1594/BTC-QLG ngày 27/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Hiện nay, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước chưa đáp ứng nhu cầu trong nước (trừ mặt hàng phân đạm Urê, phân lân). Theo báo cáo của Hiệp hội phân bón Việt Nam, trong năm 2013, sản xuất trong nước đạt 7,32 triệu tấn, trong đó: phân Urê là 2 triệu tấn; phân NPK là 3,2 triệu tấn; Lân là 1,82 triệu tấn; DAP là 300 nghìn tấn. Nhu cầu phân bón trong nước khoảng 10,22 triệu tấn trong đó: Urê là 2 triệu tấn; Kali là 950 nghìn tấn; DAP là 950 nghìn tấn; SA là 900 nghìn tấn; NPK là 3,6 triệu tấn; Lân là 1,82 triệu tấn. Vì vậy, trong năm 2013, nước ta còn nhập khẩu khoảng 3,22 triệu tấn, trong đó: NPK là 460 nghìn tấn; SA là 1 triệu tấn; Kali là 1,1 triệu tấn; DAP là 660 nghìn tấn.

Do đó, giá phân bón ở thị trường trong nước còn phụ thuộc nhiều vào giá nhập khẩu. Mặt khác, do mới đi vào sản xuất và cung ứng phân bón tại thị trường trong nước nên chi phí sản xuất, chi phí mở rộng hệ thống phân phối còn cao, hệ thống điều hoà cung - cầu phân bón còn nhiều bất cập cũng là một trong những nguyên nhân tác động làm giá phân bón trong nước ở mức cao.

Để tăng cường công tác quản lý giá mặt hàng phân bón đồng thời giảm chi phí giá thành cho người sản xuất, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội phân bón Việt Nam, các công ty sản xuất, kinh doanh phân bón tổ chức Hội thảo đề ra một số giải pháp sau:

- Thứ nhất: không để xảy ra mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Để làm được việc này, đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam hình thành tổ chức có khả năng dự báo cung cầu, giá cả thị trường thế giới, tính toán cung cầu trong nước, theo dõi nguồn cung (khả năng sản xuất trong nước, nhập khẩu), nhu cầu tiêu dùng của từng loại cây con, từng vùng, từng mùa vụ để tham mưu cho cơ quan điều hành có những thông tin định hướng cho thị trường để khuyến cáo các doanh nghiệp nhập phân bón ở thị trường nào, khách hàng là ai và nhập vào thời điềm nào là có lợi nhất, đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp bảo đảm nguồn cung.

Khi giá thị trường phân bón tăng cao đột biến, cao hơn giá định hướng doanh nghiệp tính toán do cung nhỏ hơn cầu, cơ quan điều hành chỉ đạo việc đưa phân bón dự trữ lưu thông tăng lượng bán; cần thiết áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của Pháp luật, tăng lượng nhập khẩu để tăng cung phân bón. Khi giá thị trường xuống quá thấp không hợp lý do cung lớn hơn cầu cũng thực hiện các biện pháp điều chỉnh lại nguồn cung phù hợp để lập lại cân đối cung - cầu.

- Thứ hai: Cần nhanh chóng có quy chế kinh doanh ngành hàng, sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh hợp lý trên cơ sở tổng kết, nhân rộng mô hình mạng lưới kinh doanh của một số doanh nghiệp đã tổ chức cung ứng phân bón đến tay người sản xuất.

- Thứ ba: Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi vi phạm về gian lận thương mại, đầu cơ gămg hàng tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không thực hiện về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết.

Trường hợp các chủ thể kinh doanh phân bón lợi dụng vị thế độc quyền hoặc liên minh độc quyền tăng giá bất hợp lý: Nhà nước can thiệp bằng các thể chế của Luật kiểm soát độc quyền; kiểm soát và đánh thuế tồn kho đối với doanh nghiệp có dự trữ hàng hóa lớn găm hàng lại, không chịu đưa phân bón ra bán bình thường.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: