Hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, giá cả của đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường đều được hình thành theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả thị trường thông qua các biện pháp kinh tế vĩ mô như các chính sách phát triển sản xuất, điều hoà cung-cầu; chính sách tài khoá, tiền tệ....; đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; hoặc thực hiện điều tiết thông qua các chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu.
Đối với các mặt hàng như điện, dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục tại cơ sở giáo dục công lập, Nhà nước thực hiện quản lý giá và đang có cơ chế, lộ trình thích hợp để điều chỉnh giá các mặt hàng này phù hợp với cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước[7].
Năm 2013, thực hiện mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012...; Để thực hiện bình ổn giá cả thị trường góp phần kiềm chế lạm phát, ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát như: thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả; chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh phát triển thương mại, tăng cường thu hút đầu tư; tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; nâng cao năng lực công tác thống kê, dự báo. Đồng thời chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ khác đã đề ra tại Nghị quyết. Bên cạnh đó, trước khó khăn chung của nền kinh tế và của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Căn cứ Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động và chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp đã đề ra.
Trong lĩnh vực quản lý giá, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành quyết liệt, đồng thời tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ như đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và đơn vị thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn giá. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp; công khai thông tin về giá theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; những mặt hàng sản xuất theo đặt hàng, giao kế hoạch chi từ NSNN. Nhờ vậy, giá cả thị trường cơ bản ổn định, lạm phát năm 2013 được kiểm soát ở mức 6,04%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; đồng thời, cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Năm 2014, thực hiện mục tiêu mà Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII đã thông qua về phát triển kinh tế 2014 là: “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, ngày 2/1/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó có đề ra các giải pháp tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như: Thực hiện chính sách tiền tệ, linh hoạt hiệu quả; Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; Phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát giá cả thị trường; Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Căn cứ Nghị quyết trên, các Bộ, ngành, địa phương sẽ ban hành Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện.
Trong lĩnh vực quản lý giá, để bình ổn thị trường giá cả, theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, minh bạch hóa thông tin, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, đặt hàng, giao kế hoạch. Thực hiện cơ chế, chính sách thích hợp để giá các dịch vụ giáo dục, y tế từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường gắn với chính sách hỗ trợ hợp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách; đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ.