Luật Giá có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 đã khẳng định nguyên tắc quản lý giá của nước ta đó là: (i) Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; (ii) Nhà nước thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Thực hiện nguyên tắc trên, trong điều hành giá đối với những mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp đều đã xây dựng những phương án cụ thể phù hợp với các mục tiêu kiểm soát lạm phát trong từng thời kỳ; khi điều chỉnh giá các mặt hàng đó đều tính toán xem mức độ tác động đến sản xuất và đời sống để có những biện pháp thích hợp hạn chế tác động bất lợi của nó đến nền kinh tế thông qua việc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thị trường; điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu thời gian qua cụ thể như sau:
Đối với giá xăng dầu:
a,Cơ chế điều tiết giá xăng dầu:
Hiện nay, giá xăng dầu trong nước được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định số 84/2009/NĐ-CP), với nguyên tắc cơ bản là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc: quy định công thức tính giá cơ sở tính theo bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước. Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP: khi giá cơ sở tăng cao vượt biên độ thuộc thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính và Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Trong thời gian vừa qua, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện việc giám sát và điều hành giá xăng dầu trong nước tuân thủ theo đúng quy định và mục tiêu nêu trên.
b) Về công khai, minh bạch trong quản lý giá xăng dầu:
Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, khi thay đổi giá bán lẻ, mức trích, mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG), Liên Bộ Tài chính - Công Thương đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn báo chí để giúp dư luận hiểu rõ hơn về định hướng điều hành của Liên Bộ, góp phần đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu.
Quán triệt nguyên tắc thực hiện công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, ngày 29/5/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa ủy quyền Chính phủ có Báo cáo số 211/BC-CP về việc quản lý, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu báo cáo các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIII. Báo cáo đã trình bày cụ thể về cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ BOG; cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát và số liệu thu chi, tồn quỹ từng thời kỳ của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối từng thời kỳ.
Bộ Tài chính đã tiếp tục công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong các Quý II, III, IV và cả năm 2013[2] trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục công khai việc trích lập và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để người dân biết, giám sát.
Về nhận định của cử tri cho rằng: “....thường xuyên tăng giá nhưng khi giảm thì chậm điều chỉnh kịp thời, việc quản lý giá chưa đảm bảo tính công khai minh bạch. Giá xăng dầu trong nước tăng, giảm không theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới....”, Bộ Tài chính xin báo cáo và làm rõ thêm như sau:
Như đã trình bày ở trên, việc điều hành giá xăng dầu cần được đánh giá toàn diện cả một quá trình chứ không nên chỉ nhìn nhận một chiều ở một thời điểm cụ thể.
- Thứ nhất, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ, trong nhiều thời điểm điều hành khi giá thế giới tăng cao tạo sự chênh lệch giữa giá bán lẻ trong nước và giá cơ sở tính toán theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, lẽ ra giá xăng dầu trong nước cần phải điều chỉnh tăng để bù đắp phần chênh lệch này nhưng giá trong nước hoặc là không điều chỉnh tăng hoặc chỉ tăng một phần chứ không phải tăng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở tại thời điểm tính toán và mức giá bán hiện hành; phần chênh còn lại được bù đắp ở khoản Quỹ BOG và/hoặc doanh nghiệp chia sẻ không tính hoặc không tính đủ khoản lợi nhuận định mức xăng dầu (quy định 300 đồng/lít,kg), khi các công cụ tài chính (Quỹ BOG, thuế nhập khẩu...) đã sử dụng hết mà giá xăng dầu thế giới vẫn tăng thì buộc phải tăng giá xăng dầu trong nước tương ứng.
- Thứ hai: Khi giá xăng dầu thế giới giảm (phải tính theo số ngày dự trữ lưu thông bình quân 30 ngày, không phải giá thế giới giảm tính theo từng ngày và giá trong nước có thể giảm ngay được) việc điều hành giá xăng dầu trong nước phải cân nhắc các công cụ đã sử dụng trước đó. Ví dụ: như cần giảm hoặc ngừng sử dụng Quỹ BOG, khôi phục lại lợi nhuận định mức đã cắt/giảm trước đó để doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đảm bảo việc cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế và khôi phục lại phần thuế nhập khẩu đã giảm trước đó, nên giá xăng dầu trong nước chưa thể giảm ngay cùng thời điểm hoặc giảm tương ứng theo mức giảm của giá xăng dầu thế giới.
Trong năm 2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã không phải điều chỉnh tăng mà được giữ ổn định trong 10 lần điều hành vào các ngày 15/1/2013; 28/1/2013; 8/2/2013; 26/2/2013; 22/5/2013; 31/5/2013; 12/9/2013; 22/10/2013; 5/12/2013; 31/12/2013 do sử dụng Quỹ BOG xăng dầu và/hoặc giảm thuế nhập khẩu và/hoặc điều chỉnh giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở (nếu điều chỉnh tăng giá thì mức điều chỉnh tại mỗi lần điều hành sẽ phải tăng tương đương với mức sử dụng Quỹ BOG và/hoặc mức giảm của thuế nhập khẩu xăng dầu và/hoặc mức cắt giảm lợi nhuận định mức). Trong khi đó, giá bán xăng dầu trong nước chỉ được điều chỉnh tăng 05 lần (đa số mức tăng giá đều ở mức độ kiềm chế do việc sử dụng kết hợp các công cụ tài chính). Khi giá xăng dầu thế giới giảm, Liên Bộ đã kịp thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện 06 lần giảm giá bán xăng dầu trong nước.
Do giá xăng dầu của nước ta phụ thuộc biến động giá xăng dầu thế giới, trong khi giá xăng dầu thế giới những năm gần đây luôn biến động theo xu hướng tăng[3], vì vậy giá xăng dầu trong nước cũng được điều hành tương ứng (trên cơ sở bình quân giá xăng dầu thành phẩm thế giới 30 ngày, không phải là giá xăng dầu thành phẩm một vài ngày hay theo biến động của giá dầu thô...).
Như vậy, việc điều hành giá xăng dầu trong nước vừa qua đã được điều hành nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã bám sát theo biến động của giá xăng dầu thế giới, đồng thời thực hiện việc kiểm tra giám sát và áp dụng các công cụ điều tiết khi cần thiết để bình ổn giá (Quỹ BOG, thuế, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp...) không để giá xăng dầu thế giới tự phát tác động bất lợi đến mục tiêu kiềm chế lạm phát giá.
Bên cạnh việc điều hành giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nướcnhư trên, ngoài công tác tham mưu giúp Chính phủ trong chỉ đạo điều hành thường xuyên công tác giá trong cả nước theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính cũng đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra và có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương để phối hợp tăng cường công tác kiểm soát, quản lý và bình ổn giá, nhất là sau những đợt điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước...
Đối với giá điện:
Theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương được giao chức năng quản lý nhà nước về giá điện; Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp theo quy định.
Năm 2013, giá bán điện bình quân chỉ được điều chỉnh tăng một lần, từ 1.437 đ/kwh lên mức 1.508,85 đ/kwh, tỷ lệ tăng 5%; thời gian thực hiện từ 01/8/2013 (Thông tư số 19/2013/TT-BCT ngày 31/7/2013 của Bộ Công Thương).
Phương án điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Bộ Công Thương kiểm soát theo quy định; thời gian và mức điều chỉnh được cân nhắc một cách thận trọng, tránh việc điều chỉnh giá điện gây tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương theo thẩm quyền trong việc điều hành giá điện đảm bảo thực hiện lộ trình cơ chế thị trưởng theo các Nghị quyết của Quốc hội, phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong mỗi lần điều chỉnh giá để người dân và xã hội cùng giám sát.