1. Về quản lý thực phẩm chức năng
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm: thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học. Trên thực tế, nếu đề cập riêng về công dụng của thực phẩm chức năng thì có thể nói thực phẩm chức năng có nhiều công dụng khác nhau, trong đó có công dụng quan trọng là hỗ trợ việc điều trị một số bệnh tùy theo từng sản phẩm cụ thể.
Qua công tác quản lý cho thấy, thời gian qua một số cơ sở làm ăn không chân chính, vì chạy theo lợi nhuận đã cố tình vi phạm các quy định, đặc biệt là vi phạm quy định về ghi nhãn và quảng cáo thực phẩm chức năng. Một số vi phạm trong kinh doanh thực phẩm chức năng như: Ghi nhãn sản phẩm có công hiệu như thuốc chữa bệnh; quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng không đăng ký nội dung quảng cáo hoặc có đăng ký nội dung quảng cáo nhưng khi quảng cáo lại quảng cáo với nội dung không đúng như đã đăng ký. Đặc biệt có một số trường hợp tiến hành quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh dẫn đến tình trạng một số người tiêu dùng sản phẩm hiểu nhầm về công dụng của nhóm sản phẩm này.
Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã thường xuyên phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Cùng với việc xử phạt hành chính, Cục An toàn thực phẩm đã kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh các hành vi vi phạm về quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm cũng phát hiện một số trường hợp vi phạm về chất lượng sản phẩm do cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng cố tình đưa một số chất không có trong thành phần công bố vào sản phẩm, buộc thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm không đạt.
Hiện Bộ đã triển khai 02 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và quảng cáo thực phẩm chức năng tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Mình và tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng nhằm từng bước lập tại trật tự kỷ cương trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
2. Về quản lý các chất gây nghiện
Ngày 21/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành có liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh để triển khai Quy chế nêu trên.
Ngày 15/11/2012, Bộ Công an đã có Quyết định số 5602/2012/QĐ-BCA về việc kiện toàn Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy gồm đại diện các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính. Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc tại các doanh nghiệp dược. Kịp thời phát hiện các vấn đề có liên quan trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, Bộ Y tế mà cụ thể là 02 đơn vị được giao cụ thể là Thanh tra Bộ, Cục Quản lý Dược cũng thường xuyên tiến hành thanh kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc.