Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri tiếp tục phản ánh về các tình trạng quá tải, tăng viện phí, chất lượng khám chữa bệnh và nổi cộm nhất là tâm, đức của các y, bác sĩ tại các bệnh viện, ví dụ trường hợp nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức…; Cử tri kiến nghị Bộ Y tế cần tập trung nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ, chất lượng phục vụ của người dân tại các bệnh viện; mở rộng, xây mới và đầu tư các trang thiết bị cho các bệnh viện; luân chuyển các bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi về phục vụ tại các bệnh viện tuyến dưới để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Bình Dương   

Đơn vị xử lý: Bộ y tế   

Lĩnh vực: Khám, chữa bệnh, viện phí, y đức   

Trả lời:

Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Về Nâng cao y đức và chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ:

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo toàn Ngành Y tế đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03/CT-BYT ngày 01/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường các giải pháp thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Bộ môn y đức trong các cơ sở đào tạo y dược; phát huy hiệu quả của Đường dây nóng (qua Tổng đài Đường dây nóng của Bộ Y tế, số điện thoại 0973 306 306)ở 1200 cơ sở khám chữa bệnh để việc xử lý những bất cập về thái độ, đạo đức nghề nghiệp của viên chức ở các bệnh viện cũng như phát hiện những gương tốt. Bộ Y tế xây dựng Thông tư 07/2014/TT-BYT quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Bộ Y tế đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cũng như đã khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức 05 Đoàn kiểm tra toàn diện công tác quản lý nhà nước về hành nghề y- dược, y dược cổ truyền tư nhân, và vệ sinh an toàn thực phẩm, đã phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Quan điểm của Bộ Y tế là kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; và sẽ đưa ra khỏi ngành những cá nhân không đủ trình độ và phẩm chất của người thầy thuốc. Trong thời gian qua, một số nhân viên y tế vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp được bị xử lý.

2. Về Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh:

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trước hết đã quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm giảm tải bệnh viện, như đẩy nhanh việc hoàn thành các công trình xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh để tăng số giường bệnh/1 vạn dân; đã triển khai các đề án nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, giảm tình trạng vượt tuyến, chuyển tuyến không cần thiết, như Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đinh giai đoạn 2012-2020, thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (theo Quyết định 14/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), triển khai Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) và triển khai việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816 (Quyết định 5068/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế), để hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm giảm việc chuyển tuyến không cần thiết. 

Bộ Y tế cũng triển khai Quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của Bệnh viện (theo Quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế), nhờ đó đã cải tiến thủ tục, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hẹn lịch khám để giảm thời gian chờ đợi, giảm quá tải bệnh viện; đã thực hiện việc quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện (theo Thông tư 19/2013/TT-BYT), các biện pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân theo Chỉ thị 06/2007/CT-BYT và Chỉ thị số 05/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế; đặc biệt đã áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện gồm 83 tiêu chí (theo Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 03/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế) để đo lường mức độ hoàn thành và chất lượng các hoạt động trong bệnh viện; định kỳ kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý bảo hiểm y tế; giải quyết một cách khoa học và công bằng trong việc tổ chức khám chữa bệnh, không phân biệt người bệnh tự trả viện phí và người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, tránh nộp viện phí nhiều lần cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế; công khai bảng giá viện phí theo quy định; thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả hay được quỹ BHYT thanh toán.

Sau khi Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05 ngày 10/9/2012, chỉ thị này đã giao trách nhiệm cụ thể cho Giám đốc Sở Y tế, giám đốc các bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gắn với điều chỉnh giá viện phí.

Bộ Y tế đã ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, gồm 83 tiêu chí, làm cơ sở cho các bệnh viện tự đánh giá chất lượng hoạt động, từ đó xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

3. Về đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện:

Nghị quyết số 08/2007/QH12 ngày 12/11/2007[36] và Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008[37] của Quốc hội cho phép sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu tư cho y tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, tạo bước đột phá trong đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, là các căn cứ pháp lý quan trọng để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 47/2008/QĐ-TTg ngày 2/4/2008 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 (gọi tắt là Quyết định 47) và Quyết định 930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009 - 2013"(gọi tắt là Quyết định 930). Nội dung đầu tư gồm: (1) xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng; (2) mua sắm trang thiết bị và (3) đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện, cho các cơ sở y tế, nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày một tốt hơn, đồng thời góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Có 811 bệnh viện/cơ sở y tế thuộc danh mục đầu tư, gồm 645 bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa liên huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực theo Quyết định 47, Quyết định 1782 của Thủ tướng Chính phủ, và 166 dự án bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương theo Quyết định 930 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 881/2010/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2008-2012 đã có 760 Dự án y tế được sử dụng vốn TPCP, trong đó:

a) 594 bệnh viện/trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực, trong đó chỉ có một số ít xây dựng mới, còn phần lớn là cải tạo, mở rộng, nâng cấp, mua sắm bổ sung trang thiết bị. So với danh mục được đầu tư đạt 92% (594/645), còn 51 bệnh viện chưa được đầu tư, nguyên nhân là do vốn được cấp chưa đáp ứng nhu cầu nên phải xem xét, ưu tiên đầu tư tập trung, có trọng điểm, một số bệnh viện đang hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư nên chưa được phân bổ vốn.

b) 166 dự án theo Quyết định 930, gồm: 51 bệnh viện đa khoa tỉnh, 48 bệnh viện chuyên khoa lao, 35 bệnh viện chuyên khoa tâm thần, 23 bệnh viện chuyên khoa nhi/sản nhi, 5 bệnh viện, trung tâm ung bướu và 3 bệnh viện và Trường Đại học Y dược Cần Thơ thuộc Bộ Y tế. Trong đó có 11 dự án thuộc Bộ Y tế và 155 dự án thuộc địa phương quản lý.

Số bệnh viện đã hoàn thành đưa vào sử dụng:

a) Đối với các dự án tuyến huyện theo Quyết định 47: Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/12/2011 có 353 bệnh viện huyện hoàn thành (trong đó có 152 bệnh viện hoàn thành toàn bộ và 201 bệnh viện hoàn thành một số hạng mục), có 70 phòng khám đa khoa khu vực đã hoàn thành. Dự kiến năm 2012 sẽ có 107 bệnh viện hoàn thành[38]. Như vậy, giai đoạn 2008-2012 đã hoàn thành 460 bệnh viện huyện (hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành các hạng mục đã triển khai) và 70 phòng khám đa khoa khu vực.

b) Đối với các dự án 930: tính đến 31/12/2011 có 18 bệnh viện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như bệnh viện đa khoa các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Thuận, Ninh Bình, bệnh viện Tâm thần Ninh bình, bệnh viện Lao và bệnh phổi Ninh Bình, bệnh viện Tâm thần Hà Nam, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Điện Biên …, dự kiến hết năm 2012 sẽ có 55 bệnh viện hoàn thành[39]. Như vậy giai đoạn 2008-2012 có 73 bệnh viện đã hoàn thành đưa vào sử dụng (trong đó có bệnh viện hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành các hạng mục chính).

Trong 11 dự án do Bộ Y tế quản lý: Đã hoàn thành một phần dự án có: Bệnh viện Lao và bệnh phổi TW Phúc Yên, Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) và các hạng mục cơ bản của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Đối với các bệnh viện còn lại, trừ các bệnh viện xây dựng mới thì bệnh viện nào cũng hoàn thành được một số hạng mục như các nhà điều trị, khu kỹ thuật, mua sắm được một số trang thiết bị đưa vào sử dụng. Đối với các bệnh viện hoàn thành, do Bộ Y tế và các tỉnh đã tập trung vốn cho các hạng mục xây lắp để hoàn thành sử dụng, nên tại hầu hết các bệnh viện này thì trang thiết bị vẫn còn thiếu so với quy định, vẫn còn nợ khối lượng xây dựng, vẫn còn một số phần việc chưa hoàn chỉnh như sân, đường nội bộ, hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế, ...

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2011 và 2012-2015, thực hiện các Nghị quyết 881/NQ-UBTVQH12 của Quốc hội, Nghị quyết 11/2011/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc đầu tư cho các dự án này gặp phải nhiều khó khăn. Một số dự án phải giãn, hoãn, tiến độ; một số dự án phải tạm dừng để đầu tư sau năm 2015 hoặc phải chuyển đổi hình thức đầu tư.

4. Về luận chuyển cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi về phục vụ ở bệnh viện tuyến dưới:

- Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế, nhất là cán bộ y tế có chuyên môn tay nghề cao ở nhiều địa phương, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; trang thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện tuyến trên, ngày 26/5/2008, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các Bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816) với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; và chuyển giao công nghệ kỹ thuật vào đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: