Về vấn đề quản lý việc cung ứng vật tư các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp
Trong điều kiện kinh tế thị trường, việc thiết lập, sắp xếp hay tổ chức kênh phân phối hàng hóa nói chung, vật tư nông nghiệp nói riêng là quyền và nhu cầu thiết thực của mỗi doanh nghiệp. Đối với các loại vật tư hàng hóa thiết yếu (như phân bón, thuốc trừ sâu…), Nhà nước chỉ can thiệp vào hoạt động tổ chức kênh phân phối của doanh nghiệp thông qua việc quy định các điều kiện kinh doanh.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2003 về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón và Nghị định số 191/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định mới quy định các điều kiện cụ thể, chặt chẽ hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm tăng khả năng kiểm soát chất lượng và giá bán phân bón trên thị trường. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về vấn đề quản lý giá, cung ứng các sản phẩm chăn nuôi (cụ thể là mặt hàng thức ăn chăn nuôi):
Theo quy định tại Điểm h, Khoản 3, Điều 15, Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về Quản lý thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm quản lý sản xuất, xuất, nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi. Do vậy, theo chức năng nhiệm vụ được giao, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giữ vai trò chủ trì trong hoạt động quản lý thức ăn chăn nuôi.
Hiện đã có nhiều văn bản liên quan tới việc quản lý, kiểm soát thức ăn chăn nuôi, cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Thông tư số 44/2012/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 8 năm 2012 về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt đối với các vi phạm trong sản xuất, gia công, kinh doanh, sử dụng, xuất khẩu, nhập khẩu và khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi.
Để ổn định sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo lợi ích cho người nông dân, các năm gần đây, Chính phủ luôn quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, từ giống, thuỷ lợi, vật tư đầu vào đến tiêu thụ nông sản đầu ra. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương luôn tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý giá cả và chất lượng trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu như phân bón; triển khai công tác bình ổn giá hàng hoá thiết yếu trong đó có các mặt hàng vật tư nông nghiệp, sản phẩm gia súc, gia cầm. Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính triển khai xây dựng Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật này, theo đó chú trọng đến công tác bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu trong đó có vật tư nông nghiệp, sản phẩm gia súc, gia cầm. Các quy định về bình ổn giá, quản lý giá nhằm mục đích lớn nhất là tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá hàng hoá, việc niêm yết giá và giám sát việc điều chỉnh giá các hàng hoá thiết yếu dễ gây bất ổn thị trường. Đây là căn cứ để các cơ quan chức năng tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá bán hàng hoá (trong đó có vật tư nông nghiệp, sản phẩm gia súc, gia cầm) trên thị trường.
Ngoài ra,Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các Đề án có liên quan đến việc tổ chức khâu lưu thông phân phối, đảm bảo lợi ích của người sản xuất nông nghiệp như: Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản nhằm mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả bền vững” và Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; dự kiến trình Chính phủ trong năm 2014.