Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng vẫn chưa giảm, gây thất thoát lớn cho Ngân sách nhà nước, dẫn đến suy thoái về kinh tế và là nguy cơ lớn đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của đất nước…; việc phát hiện tham nhũng đạt hiệu quả chưa cao; nhiều vụ tham nhũng lớn xử lý còn chậm, việc xét xử của Tòa án nhân dân các cấp đối với những vụ án tham nhũng trong thời gian qua còn nương nhẹ; chưa xử lý nghiêm người đứng đầu trong các doanh nghiệp nhà nước để xảy ra tham nhũng, thất thoát tài sản nhà nước. Kiến nghị Quốc hội tổ chức thực hiện giám sát đối với việc phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng gây thất thoát lớn Ngân sách nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân; tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động của Chính phủ trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: An Giang    Tuyên Quang    Bà Rịa - Vũng Tàu    Bến Tre   

Đơn vị xử lý: Ủy ban tư pháp   

Lĩnh vực: Giám sát   

Trả lời:

Tại công văn số 1705 /UBTP13 ngày 22/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Trong nhiều năm, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đều cho rằng, tình hình tham nhũng hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Việc xử lý tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn có biểu hiện nương nhẹ; án tham nhũng vẫn còn tình trạng kéo dài; việc cho hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ chiếm tỉ lệ cao, chưa phúc đáp yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với  nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thời gian qua, Ủy ban tư pháp đã tổ chức giám sát (gồm cả giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng), qua đó đã góp phần hạn chế dần tình trạng bỏ lọt tội phạm về tham nhũng, xử lý không nghiêm, nhất là tình trạng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng. Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới Ủy ban tư pháp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát đối với việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm cho công tác này thực sự đi vào nề nếp và có hiệu quả để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Đồng thời Ủy ban tư pháp sẽ đôn đốc các cơ quan tư pháp trung ương khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt chính sách hình sự đối với việc xử lý các tội phạm về tham nhũng, chức vụ theo hướng xử lý nghiêm khắc, hạn chế áp dụng án treo; hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự có tính định lượng (gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu lợi bất chính lớn, vụ lợi…); đồng thời kiến nghị Quốc hội nghiên cứu  tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm và tính độc lập của các cơ quan trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Về ý kiến đề nghị cần xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, thất thoát. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban tư pháp sẽ tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Về ý kiến cử tri đề nghị tăng cường giám sát Chính phủ trong công tác

phòng, chống tham nhũng.Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban tư pháp tiếp tục triển khai nhiều phương thức giám sát việc thực hiện pháp luật trong phòng, chống tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền, nhất là Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các bộ ngành hữu quan, tăng cường tổ chức các phiên giải trình về trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành trong phòng, chống tham nhũng; kiến nghị các cơ quan hữu quan rà soát các quy định nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, đồng thời cần tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ.

Các câu hỏi cùng địa phương: