Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và gia nhập WTO nói riêng là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và nước ta trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, việc gia nhập WTO không phải là đích đến cuối cùng, mà là sự tiếp nối của cả một quá trình cải cách nền kinh tế theo hướng ngày càng thuận lợi hơn cho các hoạt động thương mại và đầu tư.
Bảy năm sau khi gia nhập WTO là quãng thời gian khó khăn đối với nền kinh tế nước ta do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như một số yếu kém và hạn chế trong nội tại nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Trong năm 2012 và năm 2013, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát được kiềm chế, tỷ giá VNĐ/USD khá ổn định, cán cân thương mại, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối được cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 2008-2013, tăng trưởng kinh tế dù chỉ đạt bình quân 5,8%/năm nhưng vẫn mang tính ổn định cao và Việt Nam vẫn được coi là một trong số những nước xuất khẩu năng động nhất trong khu vực châu Á với mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân luôn đạt hai con số. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực nhưng những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu đã được ghi nhận. Bằng chứng rõ nhất là tại phiên Rà soát Chính sách thương mại đầu tiên của Việt Nam tại WTO diễn ra vào tháng 9 năm 2013 vừa qua, các Thành viên WTO đã đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam và đều coi Việt Nam như một “câu chuyện thành công” của việc gia nhập WTO.
Để có được thành công này, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và thực thi một loạt các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô khá hiệu quả và kịp thời, cụ thể như sau:
Trước những giải pháp kiểm soát lạm phát trong giai đoạn cuối 2007-2008 và kích thích kinh tế giai đoạn 2009-2010 chưa cải thiện đáng kể tình hình kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011, tập trung vào các giải pháp toàn diện nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở các giải pháp này, nhiều chính sách cụ thể đã được ban hành: chính sách thắt chặt chi tiêu công, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; vấn đề đô la hóa và vàng hóa được xử lý mạnh mẽ hơn; tỷ giá chính thức đã được điều chỉnh và duy trì khá ổn định trong một thời gian dài ở mức 9,3%... qua đó khơi thông dòng vốn USD vào ngân hàng, hạn chế các hoạt động vay USD có thể gây áp lực thanh khoản đối với ngân hàng; thị trường vàng cơ bản được bình ổn, qua đó giảm tác động liên thông lên thị trường ngoại hối. Thông điệp về chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá cũng được lưu tâm hơn, song song với việc thực hiện nghiêm các thông điệp này nhằm củng cố niềm tin của thị trường.
Ưu tiên chính sách cũng được thể hiện rõ ràng và thực hiện quyết liệt hơn. Chính phủ khẳng định ưu tiên cao nhất dành cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn. Song song với quá trình thắt chặt chính sách kinh tế để thực hiện ưu tiên này, Chính phủ cũng thường xuyên đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội và có những biện pháp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhóm dễ bị tổn thương, người nghèo... Các biện pháp này được thể hiện qua các Nghị quyết số 13/NQ-CP ban hành ngày 09 tháng 5 năm 2012, Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ban hành ngày 07 tháng 01 năm 2013...
Chính phủ cũng có những giải pháp quyết liệt hơn, thể hiện ở việc đẩy nhanh các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế đã được phê duyệt và bắt đầu thực hiện từ tháng 2 năm 2013. Chương trình tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng được phê duyệt sớm hơn, vào tháng 3 năm 2012. Chương trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đã được phê duyệt từ tháng 6 năm 2012. Chương trình tái cơ cấu đầu tư công cũng đang trong quá trình xem xét và phê duyệt sớm...
Song song với đó, Chính phủ cũng thực hiện nghiêm túc các chính sách mở cửa thị trường theo lộ trình của cam kết gia nhập WTO về công khai, minh bạch hóa, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sản xuất kinh doanh. Khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài cũng từng bước được cải thiện, giúp làm tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian qua cũng còn một số điểm cần khắc phục, cụ thể như sau:
Đầu năm 2008, Chính phủ đã có các biện pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, khẳng định ưu tiên cao nhất dành cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn. Tuy nhiên, phản ứng chính sách nói trên nhìn chung còn chậm. Bên cạnh đó, việc kiểm soát tài chính một cách thận trọng còn hạn chế, đã quá lạc quan trước các dòng vốn đổ vào trong khi không có nỗ lực nâng cao khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Đây sẽ là một kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong tương lai sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu...
Từ năm 2011 Việt Nam bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Tuy nhiên, trong thời gian này Chính phủ liên tục phải thực hiện các biện pháp mang tính tình thế nhằm giải quyết các vấn đề về kinh tế vĩ mô. Đồng thời, do ảnh hưởng từ sự tăng trưởng chậm của các nước là đối tác lớn của Việt Nam, Chính phủ đã phải thực hiện nhiều biện pháp nới lỏng và hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2012-2013.Trong bối cảnh đó, Chính phủ ít có điều kiện tập trung vào những cải cách mang tính dài hạn hơn.
Liên quan đến các điểm nghẽn trong mô hình tăng trưởng, cụ thể là những bất cập về thể chế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Việt Nam luôn nhấn mạnh ưu tiên tái cơ cấu kinh tế và phần nào xác định được các lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu như doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng và đầu tư công, tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian, chế tài và quyết tâm để hiện thực hóa các định hướng này. Bản thân nguồn lực cho quá trình thực hiện các cải cách còn hạn chế, trong bối cảnh thu ngân sách suy giảm, nợ công lớn và chưa có cơ chế hiệu quả nhằm huy động nhiều nguồn lực của khu vực tư nhân... là những khó khăn lớn của Việt Nam trong quá trình thực hiện.
Tình hình kinh tế trong nước và bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đòi hỏi Chính phủ phải có những điều chỉnh về chính sách kinh tế vĩ mô theo một số định hướng lớn sau nhằm vượt qua những khó khăn và thách thức
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô đi kèm với việc duy trì mức tăng trưởng “hợp lý”, tăng cường tính hiệu quả trong việc phối hợp quản lý từ Trung ương đến địa phương trong điều hành vĩ mô.
- Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước, tài chính - ngân hàng và đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công và giảm bội chi ngân sách nhà nước.
- Chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA với Liên minh thuế quan gồm Liên bang Nga, Bê-la-rút và Ka-dắc-xtan v.v… nhằm tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tạo ra sức ép cho quá trình đổi mới, cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường tính hiệu quả và minh bạch.
- Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội thông qua việc hỗ trợ cho khu vực nông thôn, các nhóm dễ bị tổn thương, người nghèo... trong quá trình cải cách và hội nhập quốc tế.