Về giá điện
Từ năm 2011 đến nay, cơ chế điều hành giá điện theo thị trường được thực hiện theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (hiện nay được thay thế bằng Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân), theo đó giá điện sẽ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản (gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát) biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Hàng năm, căn cứ vào quy định tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá bán điện theo cơ chế thị trường, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện sau khi có báo cáo kiểm toán, quyết toán, làm cơ sở để điều chỉnh giá bán điện.
Năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ sản xuất kinh doanh điện 10.162 tỷ đồng (chưa kể chi phí còn treo lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010 bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỉ giá là 15.463 tỉ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỉ đồng). Nguyên nhân năm 2010 EVN lỗ là do sản lượng thủy điện thấp (do thiếu hụt nước nghiêm trọng) nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu của EVN và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn so với kế hoạch chi phí được duyệt trong phương án giá điện năm 2010. Ngoài ra, chậm tiến độ của một số nhà máy điện, biến động tỉ giá hối đoái, biến động giá nhiên liệu cũng là những nguyên nhân gây lỗ trong sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010.
Trong năm 2011 EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện là 3.181 tỷ đồng; tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết 31 tháng 12 năm 2011 là 26.733,53 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN bị lỗ là dodiễn biến thủy văn không thuận lợi trong năm 2010ảnh hưởngđếntình hình phát điện và cung ứng điện cho các tháng mùa khô 2011; do biến động tỷ giá hối đoái và biến động giá nhiên liệu làm tăng chi phí, do tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có nhiều khó khăn làm nhu cầu sử dụng điện trong toàn hệ thống thấp, dẫn đến giá bán lẻ điện thực tế thực hiện thấp hơn so với kế hoạch.
Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng kế hoạch tài chính, kinh doanh của EVN giai đoạn 2011 - 2015 như sau:
- Thực hiện phân bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013; phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
- Từng bước nâng dần giá bán điện, đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường;
- Trong các năm 2012 - 2013, EVN đảm bảo kinh doanh có lãi;
- Đến năm 2015, các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn: hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần; tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%; hệ số thanh toán nợ: lớn hơn 1,5 lần.
Để đảm bảo các chỉ tiêu tài chính của EVN đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay đồng thời thực hiện Quyết định số 854/QĐ-TTg, giá bán điện được tiếp tục điều chỉnh từng bước theo cơ chế thị trường vào cuối năm 2011 và trong năm 2012 theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg.
Mặc dù giá bán điện được điều chỉnh như trên nhưng tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện chưa hạch toán vào giá thành tính đến 31 tháng 12 năm 2012 là 19.877,76 tỷ đồng, trong đó, lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện là 4.736,7 tỷ đồng. Giá bán điện trong năm 2013 được điều chỉnh tăng 5% vào ngày 01 tháng 8 năm 2013. Tình hình kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2013 của EVN sẽ được Bộ Công Thương và Bộ ngành liên quan kiểm tra và công bố công khai trong năm 2014.
Ngày 11 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2165/QĐ-TTgvề khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015, trong đó mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và tối đa là 1.835 đồng/kWh. Giá bán điện sẽ được điều chỉnh căn cứ vào khung giá tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg và Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015 sẽ được điều chỉnh không thấp hơn mức giá tối thiểu (1.437 đồng/kWh), không cao hơn mức giá tối đa (1.835 đồng/kWh) của khung giá quy định tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg, đảm bảo việc điều chỉnh giá điện được ổn định, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Về giá xăng dầu
Hiện nay, kinh doanh xăng dầu được điều chỉnh bởi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Chính phủ phân công, trách nhiệm bộ, ngành, địa phương về quản lý kinh doanh xăng dầu tại Điều 29 Nghị định 84/2009/NĐ-CP nêu trên. Theo đó, tại khoản 2 Điều 29 của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Bộ Tài chính có trách nhiệm “kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định tại Điều 26 và Điều 27 Nghị định này” (Điều 26. Quỹ Bình ổn giá; Điều 27. Giá bán xăng dầu). Nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu được quy định rõ tại Điều 27 của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, theo đó “giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước” (điểm a Khoản 1 Điều 27).
Bộ Công Thương, với tư cách là cơ quan phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định hệ thống phân phối, xin cung cấp thông tin như sau:
Trong điều kiện bình thường, các thương nhân đầu mối được chủ động tính toán và cạnh tranh trong việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu (không phân biệt thương nhân thuộc các thành phần kinh tế) nhưng theo nguyên tắc, trình tự, cơ cấu, định mức… được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP; Liên Bộ Tài chính - Công Thương giám sát, hậu kiểm và xử lý nếu vi phạm.
Khi thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Liên Bộ thực hiện quyền định giá (nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 27). Thương nhân đầu mối (không phân biệt thương nhân thuộc các thành phần kinh tế) có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.
Thực tế điều hành giá xăng dầu trong năm 2013, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã nhiều lần yêu cầu các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thậm chí yêu cầu các thương nhân đầu mối cắt giảm lợi nhuận định mức nhằm bình ổn giá xăng dầu bán trong nước, kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội. Hiện nay, theo Công văn số 18327/BTC-QLG ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính, để ổn định giá bán xăng dầu trong nước, Quỹ Bình ổn giá đang phải chi sử dụng từ 100-890 đồng/lít,kg xăng dầu và các thương nhân đầu mối không được tính lợi nhuận định mức trong cơ cấu tính giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa.
Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước, bảo đảm phản ánh kịp thời xu hướng giá thế giới, tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.