Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Trong những năm qua, một bộ phận khá lớn học sinh, thanh niên ít quan tâm tìm hiểu, học tập vững kiến thức về lịch sử Việt Nam. Đề nghị quan tâm hơn nữa, có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc đổi mới phương pháp và nội dung giảng dạy đối với bộ môn Lịch sử; xây dựng chương trình giáo dục phổ thông toàn diện, trong đó chú trọng tăng cường nội dung, thời lượng và thay đổi phương pháp giáo dục đối với môn học Lịch sử.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Quảng Nam   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chương trình giáo dục   

Trả lời:

Trả lời (Công văn số 953/BGDĐT-VP ngày 05/ 3/2014):

Ngày đăng: 10/06/2014

Chương trình, sách giáo khoa hiện hành đã chú ý giáo dục toàn diện kiến thức, kỹ năng, thái độ, xử lý mối quan hệ giữa kiến thức lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; mức độ nội dung trọng tâm của lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại được đưa vào trong sách giáo khoa về cơ bản phù hợp với trình độ của học sinh; chương trình, sách giáo khoa đã tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực; đa số thầy cô giáo đã có nhiều cố gắng trong cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao tính hấp dẫn của môn học, góp phần nâng cao dần chất lượng môn học. Nhiều giờ học lịch sử đã diễn ra sinh động, hấp dẫn hơn, học sinh tích cực làm việc, không khí học tập của học sinh sôi nổi, hứng thú hơn; kết quả các kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử đã có chuyển biến tích cực…

Tuy nhiên, nội dung những phần đồng tâm củachương trình chưa thể hiện rõ về mức độ khác nhau, yêu cầu cần đạt giữa các cấp, lớp khác nhau. Cấu trúc chương trình chưa thật cân đối giữa nội dung giáo dục của các cấp học; giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; một số bài trong sách giáo khoa, đặc biệt là phần lịch sử Việt Nam còn mang tính hàn lâm, dung lượng nội dung chưa phù hợp với thời lượng dạy học; phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn lịch sử chậm đổi mới, chưa thực sự chuyển biến trong ý thức của từng giáo viên và cán bộ quản lý. Đổi mới phương pháp dạy học chủ yếu diễn ra trong các kỳ thi, hội giảng, dự giờ hoặc những đợt kiểm tra, thanh tra của các cấp quản lí. Chưa có nhiều biện pháp để phát huy tính tích cực học tập của học sinh; một bộ phận học sinh, thanh niên ít quan tâm, tìm hiểu lịch sử Việt Nam…

Trong xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, nhận thức đúng vị trí, vai trò của môn lịch sử ở trường phổ thông là vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay. Dạy học lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà còn có ưu thế trong việc giáo dục lòng yêu nước, trân trọng giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc, giáo dục nhân cách, tư duy độc lập sáng tạo cho học sinh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, sẽ có một số học sinh thực sự yêu mến và có năng lực tiếp tục học các chuyên ngành lịch sử để trở thành những tài năng trẻ về sử học; nội dung giáo dục Lịch sử cần cân đối để bảo đảm hài hòa giữa lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc trong từng cấp học, tăng tỷ lệ thời lượng cho lịch sử Việt Nam; giảm nội dung chính trị, chiến tranh, bổ sung lịch sử văn minh thế giới, các nội dung về văn hóa dân tộc, về kinh tế; cập nhật những thành tựu nghiên cứu của khoa học lịch sử; gắn nội dung bài học lịch sử với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sẽ đa dạng hơn, hướng tới người học nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: