Về việc quá tải của chương trình: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện một số giải pháp sau: Rà soát, chỉnh sửa sách giáo khoa, những chi tiết chỉnh sửa (bằng việc đính chính) được thông báo cho các địa phương. Triển khai điều chỉnh một số nội dung của chương trình, sách giáo khoa theo hướng giảm tải một số môn học, tích hợp một số nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục để giảm khối lượng kiến thức và thời gian dạy học; điều chỉnh về cách thức kiểm tra, đánh giá theo hướng giảm các yêu cầu học thuộc, nhớ con số, sự kiện một cách máy móc, tạo cơ hội cho học sinh được vận dụng kiến thức tổng hợp và những hiểu biết riêng của bản thân; biên soạn và ban hành tài liệu Hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp giáo viên định hướng đúng nội dung giảng dạy của các môn học, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu tối thiểu, có thể nâng cao ở mức phù hợp với năng lực nhận thức của các học sinh khá, giỏi; điều chỉnh khung thời gian dạy học từ 35 tuần thành 37 tuần...
Về việc giao chỉ tiêu cho giáo dục phổ thông: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo không giao các chỉ tiêu cụ thể nhưtỷ lệ học sinh khá, giỏi, lên lớp... cho các trường mà chỉ yêu cầu các trường căn cứ vào các quy định để đánh giá đúng về học lực và việc rèn luyện của học sinh. Những chỉ tiêu nhưtỷ lệ học sinh khá, giỏi, lên lớp... là do các trường tự đề ra để phấn đấu thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong cử tri cho biết cụ thể cấp quản lí giáo dục nào giao các chỉ tiêu và bắt ép các trường thực hiện để có các biện pháp xử lí cụ thể.
Về việc cho phép mở nhiều ngành nghề đào tạo nhưng không gắn với nhu cầu của xã hội, gây lãng phí: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiến hành rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh việc đào tạo theo từng ngành nghề của các trường đại học, cao đẳng... sao cho ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội, tránh gây lãng phí đặc biệt nếu trường không đủ điều kiện đào tạo theo quy định hiện hành thì sẽ dừng việc tuyển sinh.
Về việc đề nghị đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy bắt buộc đối với học sinh phổ thông: Hiện nay, trong chương trình môn Thể dục, môn bơi được bố trí là môn tự chọn để các trường căn cứ vào điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên tổ chức dạy học môn này. Từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV hướng dẫn các sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, Bộ đều nhắc nhở các địa phương phương chú trọng thực hiện việc này. Đồng thời, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức xã hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao về kỹ năng dạy bơi và cứu đuối nước cho các giáo viên dạy bơi cốt cán của các tỉnh.
Tuy vậy, việc triển khai dạy bơi cho học sinh trong nhà trường hiện nay còn nhiều hạn chế, chủ yếu là do các nhà trường không có địa điểm tổ chức dạy bơi cho các em. Và do vậy, công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở đa số địa phương mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền về nhận thức cho học sinh và các bậc phụ huynh.
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước, trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ học sinh về phòng, chống tai nạn đuối nước cho các trẻ em, học sinh; Có biện pháp cảnh báo, nhắc nhở các trẻ em, học sinh, nhất là những em chưa biết bơi, không tự mình đi tắm ở những nơi nguy hiểm và không có sự giám sát của người lớn; Quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi trong nhà trường; Tăng cường công tác xã hội hóa, đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo mọi điều kiện để trẻ em, học sinh được tham gia học bơi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, xem xét việc đưa môn bơi là môn học bắt buộc theo đề nghị của cử tri.