Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị có giải pháp nâng cao chất lượng  giáo dục, đào tạo  tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Hòa Bình   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chất lượng giáo dục   

Trả lời:

Trả lời (Công văn số 967/BGDĐT-VP ngày  05/ 3/2014):

Ngày đăng: 10/06/2014

Căn cứ vào tình hình thực tiễn giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện một số những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như sau:

- Hướng dẫn điều chỉnh việc dạy và học phù hợp với đặc điểm học sinh từng vùng miền (Công văn số 896/BGDĐT-GDTH).

- Áp dụng linh hoạt kế hoạch giãn chương trình, tăng thời lượng nhằm giảm tải, đặc biệt đối với lớp đầu cấp Tiểu học. Trên cơ sở đó giao cho địa phương quyền chủ động lập kế hoạch, xây dựng phân phối chương trình phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương mình;

- Thực hiện các giải pháp Tăng cường tiếng Việt như: tăng thời lượng, dạy học 2 buổi trên ngày, giáo dục song ngữ, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt… sắp xếp lại các nội dung dạy học, tổ chức dạy học sao cho phù hợp với từng vùng miền; Biên soạn nội dung dạy học địa phương gắn với thực tế sản xuất và cơ cấu ngành nghề tại địa phương nhằm tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Các giải pháp này bước đầu có kết quả tốt đã giảm tỉ lệ học sinh yếu ở các tỉnh có học sinh dân tộc thiểu số.Biên soạn các tài liệu hướng dẫn giáo viên vận dụng chương trình và sách giáo khoa vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các tài liệu này chú ý tới đổi mới phương pháp và đổi mới đánh giá.

- Tăng cường đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đổi mới các hình thức tổ chức dạy học; Tổ chức tốt các hình thức giáo dục đặc thù nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số. Tăng cường các giải pháp để dạy học phân hóa: khảo sát đầu năm, phân loại học sinh, xây dựng kế hoạch giúp đỡ học sinh học yếu,... kết hợp việc triển khai chương trình mới với việc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở các tỉnh miền núi và vùng dân tộc.

- Tăng cường công tác quản lý, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí, tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên, đẩy mạnh sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề chuyên môn theo đơn vị trường, cụm trường. Quan tâm đời sống của đội ngũ giáo viên ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

- Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của vùng dân tộc thiểu số. tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo nhu cầu dạy và học. Tăng tỷ lệ ngân sách cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

- Rà soát, xây dựng và bổ sung các văn bản pháp quy liên quan đến giáo dục phổ thông vùng khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực: