Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã ký Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 về việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, nội dung tái cơ cấu ngành đến cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đề án theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22 tháng 11 năm 2013. Tổng cục Thủy sản đang xúc tiến xây dựng kế hoạch hành động, trình duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
Đối với việc bình ổn giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, xin được trao đổi như sau: Danh mục hàng hóa, dịch vụ và các biện pháp để bình ổn giá được thực hiện theo Luật Giá (Luật số 11/2012/QH13 của Quốc hội) như điều hòa cung cầu hàng hóa; các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp; sử dụng quỹ bình ổn; kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng tồn kho; quy định giá tối đa, tối thiểu,…nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến, hỗ trợ tiêu thụ để đảm bảo lợi ích cho người nông dân như: cung cấp tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ lãi suất tạm trữ, khoanh nợ, dãn nợ; hỗ trợ mua thiết bị, máy móc nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản,… Triển khai thực hiện các chính sách trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành và địa phương kịp thời xử lý các vấn đề có tính chất tình thế nhằm ổn định giá vật tư, hàng hóa. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp có tính chất dài hạn về cơ chế chính sách, tổ chức quản lý,…nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản hàng hóa.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc thực hiện các biện pháp về khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để doanh nghiệp, các chủ thể liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thực hiện liên kết phát triển sản xuất có hiệu quả, bền vững.
Chính phủ luôn quan tâm lớn đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn thông qua việc ban hành nhiều chính sách. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gián tiếp thông qua hoạt động đầu tư, thủy lợi phí, khoa học công nghệ, khuyến nông, đào tạo nghề, bảo hiểm nông nghiệp, tiêu thụ nông sản... Còn có những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trực tiếp cho người dân, như sau:
Một là, hỗ trợ nông dân bảo vệ và phát triển đất lúa theoNghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ. Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm với đất lúa khác; hỗ trợ 50 - 70% chi phí vật tư nông nghiệp theo mức độ thiệt hại của lúa do thiên tai dịch bệnh; hỗ trợ 70% chi phí khai hoang; hỗ trợ 100% giống lúa trên đất khai hoang và 70% giống lúa sản xuất trên đất chuyển từ đất khác sang đất trồng lúa.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chủ trì, phối hợp xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 42/2012/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành, theo hướng giảm hỗ trợ trực tiếp cho các hộ trồng lúa; bỏ nội dung hỗ trợ khi gặp thiên tai do trùng lặp với chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai, bệnh dịch; chuyển phần kinh phí này để hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vừa đảm bảo hiệu quả và vẫn giữ được đất lúa,với điều kiện cây trồng thay thế không làm thay đổi bề mặt, cơ cấu, lý hóa đất...
Hai là, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, thủy sản khắc phục thiên tai theocác quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012. Theo đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 80% cho các tỉnh miền núi, Tây nguyên; 70% cho các tỉnh và thành phố khác; các mức hỗ trợ đối với cây trồng được tính theo diện tích thiệt hại, đầu vật nuôi và mức độ thiệt hại. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 39/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2010 quy định các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo quyết định số 142/2009/QĐ-TTg.
Ba là, hỗ trợ nhiên liệu, máy móc thiết bị liên lạc cho ngư dân đánh bắt xa bờ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày /2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Theo đó, mức hỗ trợ từ 18.000.000 - 60.000.000 đồng tùy công suất tàu; hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu. Thời gian tới, dự kiến bổ sung nội dung đào tạo, tập huấn để ngư dân thay đổi tập quán làm việc, nâng cao trình độ; bổ sung hỗ trợ các tàu thu mua, làm dịch vụ hậu cần nghề cá, các tàu cá khai thác xa bờ.
Bốn là, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở nông thôn nhằm đảm bảo an sinh xã hội và tạo sinh kếtheo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 289/2008/QĐ-TTg ngày 18/3/2008; số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011; số 1791/QĐ-TTg ngày 01/10/2013; số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013; số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013; số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 về hỗ trợ đất ở và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng vùng đồng bằng sông Cửu Long; số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 phê duyệt Chương trình 135 giai đoạn III, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015.
Tuy nhiên,về dài hạn sẽ giảm dần các hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo lộ trình hợp lý, tăng các hỗ trợ gián tiếp. Đồng thời, sẽ bổ sung các biện pháp và điều kiện để người dân nhận thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay có động lực vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.