Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Năm học 2013 - 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương không chấm điểm đối với học sinh lớp 1. Đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động của chủ trương này vì không chấm điểm sẽ không có cơ sở đánh giá thực chất chất lượng học sinh (đặc biệt với môn Toán và Tiếng Việt).

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Ninh Bình   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chất lượng giáo dục   

Trả lời:

Trả lời (Công văn số 802/BGDĐT-VP ngày  25/ 02/2014):

Ngày đăng: 10/06/2014

Hiện nay, quan niệm về kiểm tra, đánh giá học sinh được hiểu theo nghĩa rộng, theo đó, kiểm tra đánh giá không phải chỉ để biết học sinh học được cái gì, đánh giá không chỉ để biết kết quả học tập (điểm số) của học sinh, mà đánh giá chủ yếu là vì sự học tập của học sinh, nghĩa là thông qua đánh giá giúp học sinh học tốt hơn, mang lại niềm vui, hứng thú học tập cho các em.

Thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với học sinh tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng đánh giá thường xuyên trên lớp. Thông qua đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, giáo viên kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ dù là nhỏ nhất của học sinh để động viên, khích lệ. Cũng thông qua đánh giá thường xuyên, giáo viên kịp thời phát hiện những khó khăn của học sinh để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh học tập tiến bộ. Với mục đích này, đánh giá thường xuyên coi trọng chất lượng học tập thực sự của học sinh chứ không phải điểm số học sinh đạt được. Muốn vậy, giáo viên phải thường xuyên quan sát, theo dõi từng học sinh trong quá trình học tập để có những nhận xét cụ thể, chi tiết về học sinh đó, tổng hợp các nhận xét của giáo viên, của chính học sinh, phối hợp với nhận xét của bạn học, của phụ huynh và cộng đồng, giáo viên sẽ có được kết quả giáo dục (bao gồm : kết quả học tập, các phẩm chất, năng lực) của học sinh.

Ngày 08/8/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công vănsố 5478/BGDĐT –GDTH chỉ đạo về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-1014: “Đặc biệt, đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh; nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh; giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào”. Tuy nhiên, cần phải nói rõ thêm rằng, học sinh lớp 1 nói riêng và học sinh tiểu học nói chung vẫn có bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số cuối học kì và cuối năm học, điểm của bài kiểm tra cuối kì và cuối năm được coi là một trong những phương pháp đo lường để đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Dư luận xã hội cũng đã có nhiều ý kiến bàn luận về chủ trương đổi mới đánh giá học sinh tiểu học của Bộ. Nhìn chung, đại đa số các ý kiến đều ủng hộ quan điểm đổi mới của Bộ, khẳng định việc “giáo viên tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét” sẽ góp phần giúp giảm áp lực học tập, áp lực tâm lý nặng về điểm số, về “thành tích” học tập cho học sinh và gia đình các em, giúp phụ huynh không còn so sánh giữa thành tích học tập giữa con em mình với con em người khác. Do không bị áp lực về điểm số, cùng với việc được giáo viên thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích, hỗ trợ kịp thời trong học tập, chắc chắn học sinh sẽ có hứng thú học tập và thích học hơn.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: