Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, tích cực tham mưu với Tỉnh ủy/Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố có Nghị quyết về phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương; Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tăng cường thực hiện nhiều giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo; Trong đó có những giải pháp về việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo viên, tiếp tục chấn chỉnh tình trạng “lạm thu”, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định, hạn chế tình trạng “chạy trường, chạy lớp” vào đầu năm học.
Trong thời gian qua, ngoài các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nói chung, việc nâng cao chất lượng giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn đã được quan tâm: việc cử tuyển để đào tạo giáo viên ngày càng được các địa phương quan tâm về chất lượng đầu vào; nhiều địa phương có các chính sách đặc thù để luân chuyển giáo viên giữa các vùng miền, vừa để đảm bảo chất lượng giáo viên ở các vùng đặc thù, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo viên thông qua công tác bồi dưỡng tại chỗ và tự bồi dưỡng; trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên các cấp đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có nhiều nội dung liên quan kiến thức, kỹ năng cần được bồi dưỡng đối với giáo viên công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Để nâng chất lượng chuyên môn các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, trong công tác chỉ đạo dạy và học hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm chỉ đạo với các giải pháp riêng với các vùng có tính chất đặc thù riêng biệt. Nhà nước đã có nhiều dự án vốn vay, trong đó có những dự án vốn vay dành riêng cho các vùng này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện dạy và học, áp dụng mô hình dạy học tiến tiến phù hợp với đặc thù vùng miền ( như mô hình trường học mới VNEN)...; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo (theo từng giai đoạn) trong đó có nội dung hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Công tác tuyên truyền cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương quan tâm để nâng cao hiểu biết của cha mẹ học sinh về các nhà trường, chia sẻ với những khó khăn của các nhà trường trong việc giáo dục cũng như dạy và học con em trên địa bàn.