Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Tình trạng chất thải công nghiệp, khí thải độc hại không qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư tăng cao. Đề nghị Bộ Tài và Môi trường thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn nữa vấn đề xử lý ô nhiễm, chất thải, khí thải độc hại tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Hải Phòng    Bình Thuận    Ninh Bình   

Đơn vị xử lý: Bộ tài nguyên và môi trường   

Lĩnh vực: Môi trường   

Trả lời:

Tại công văn số 594/BTNMT-PC ngày 28/02/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2005, các dự án đầu tư đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận, trong đó phải đánh giá toàn diện các tác động xấu tới môi trường trong quá trình triển khai dự án, đề xuất các giải pháp giảm thiểu. Dự án chỉ được đi vào hoạt động chính thức sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Như vậy, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư là tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều cơ sở, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cố tình không vận hành hoặc vận hành không đúng kỹ thuật các công trình xử lý chất thải nhằm trốn tránh chi phí vận hành, gây ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường. Một số công ty vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường điển hình trong thời gian qua đã bị phát hiện và xử lý nghiêm như: Công ty Vedan Việt Nam, Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, Công ty Miwon Việt Nam, Công ty Tung Kuang,… và gần đây nhất là vụ việc của Công ty TNHH sản xuất cơ khí và dịch vụ Đại Phúc, Công ty cổ phần nguyên phụ liệu Dệt may Bình An thuộc Tổng Công ty Việt Thắng, KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, KCN Liên Chiểu,Công ty TNHH giấy An Hòa, Công ty TNHH MTV xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ,…. Các vụ việc nêu trên đã được xử lý triệt để, công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.

Trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xả thải gây ô nhiễm, đặc biệt là đối với các cơ sở tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề; tăng cường chế tài xử lý đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm bằng các hình thức mạnh như phạt tiền đến 2 tỷ đồng đối với một hành vi vi phạm, tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời theo quy định của pháp luật.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: