Để tránh tình trạng bao cấp tràn lan trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, Luật BHYT đã quy định cụ thể hơn 2 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đảm bảo đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Riêng người thuộc hộ gia đình cận nghèo được NSNN hỗ trợ tối thiểu 70% - 100% mức đóng BHYT và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình được NSNN hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT.
Như vậy, về cơ bản người dân tộc thiểu số thuộc gia đình nghèo sinh sống ở các xã vùng I đã được NSNN bảo đảm cấp thẻ BHYT và người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo sinh sống ở các xã vùng I đã được NSNN hỗ trợ một phần mức đóng BHYT. Quy định này nhằm hỗ trợ cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, là một chính sách an sinh xă hội phù hợp giúp chia sẻ khó khăn, góp phần đảm bảo công bằng và giúp người dân tiếp cận được với dịch vụ y tế. Đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã vùng I nếu là các đối tượng lao động, có thu nhập, không phải là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo thì việc đóng BHYT là cần thiết để chia sẻ khó khăn đối với các đối tượng khác.
Hiện nay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã bổ sung đối tượng “Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” được cấp BHYT từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm. Quốc hội sẽ xem xét quyết định khi sửa đổi bổ sung Luật BHYT nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế, đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng quyền lợi về BHYT, phù hợp với khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước trong các giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân.