Đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững và giúp người nông dân trồng lúa có lãi (từ 30%) là chủ trương nhất quán của Chính phủ. Do vậy, trong quá trình điều hành, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành triển khai thực hiện các giải pháp để giảm chi phí, tăng hiệu quả cho người trồng lúa.
Thời gian qua ở ĐBSCL nhìn chung đã đạt được mục tiêu đề ra. Tuy vậy có nơi, có lúc do giá vật tư đầu vào lên cao, giá bán xuống thấp hoặc do thiên tai, dịch bệnh làm giảm năng suất nên lợi nhuận của người trồng lúa thấp, thậm chí lỗ. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ trực tiếp cho nông dân đang được Bộ NN và PTNT phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện như: Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ “Về quản lý, sử dụng đất trồng lúa”; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ “Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”; Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựn cành đồng lớn”;… để nông dân có điều kiện đầu tư cho sản xuất, ổn định đầu ra và có lãi. Ngoài ra, vào thời điểm giá lúa xuống thấp, Bộ NN và PTNT phối hợp với các Bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thu muâtmj trữ lúa, đảm bảo cho người nông dân sản xuất lúa có lãi từ 30% trở lên.
Đồng thời, nhằm bình ổn giá các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông thủy sản, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến, hỗ trợ tiêu thụ để đảm bảo lợi ích cho người nông dân như: cung cấp tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; chính sách khoanh nợ, dãn nợ; hỗ trợ mua thiết bị, máy móc nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản (Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp”…