Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin truyền thông, cử tri thấy tình hình tai nạn giao thông vẫn thường xuyên xảy ra, nhiều vụ việc mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài các nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, xuống cấp nhưng chậm được khắc phục; việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) chưa được đầy đủ, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Yên Bái   

Đơn vị xử lý: Bộ giao thông - vận tải   

Lĩnh vực: Các vấn đề giao thông vận tải khác   

Trả lời:

Tại công văn số 1218/BGTVT-ATGT ngày 08/02/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Đúng như ý kiến phản ảnh của cử tri, trong khoảng thời gian nửa đầu của năm 2013, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn cả nước có chiều hướng gia tăng, đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tải sản. Để kịp thời khắc phục tình trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo; các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), cụ thể như:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 về việc thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013 về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và chở quá số khách cho phép và Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT để ngăn chặn và giảm TNGT trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và mùa Lễ hội xuân 2014.

Các Bộ, ngành đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT: Bộ GTVT đã thành lập 07 Đoàn kiểm tra do các Thứ trưởng làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT đường bộ, chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung làm rõ những bất cập về quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải, làm rõ trách nhiệm, đồng thời kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm vi phạm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức; Bộ GTVT đã phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Công an tổ chức 04 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn TNGT tăng tại các tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT tăng. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát kết hợp với trấn áp tội phạm liên quan đến TTATGT trên toàn quốc.

Để chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá trọng tải, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH - Bộ Công an triển khai xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra tải trọng xe trên một số tuyến quốc lộ; đồng thời, chỉ đạo ngành GTVT và Công an ở các địa phương triển khai kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến trọng điểm vi phạm về tải trọng phương tiện. Tháng 9 năm 2013, (đợt 1) Bộ GTVT đã đầu tư 10 bộ cân lưu động và bàn giao cho 10 địa phương để triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; theo kế hoạch trong Quý I năm 2014 sẽ tiếp tục đầu tư và bàn giao tiếp 57 bộ cân lưu động cho các địa phương còn lại. Hiện nay, Bộ GTVT và Bộ Công an đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 của hai Bộ về "Phối hợp thực hiện việc tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ".

Để nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ góp phần giảm thiểu TNGT và ô nhiễm môi trường, Bộ GTVT đã ban hành các thông tư mới quy định vềtiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn đối với lãnh đạo, nhân viên Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; hoàn thiện việc lắp đặt camera giám sát hoạt động tại 100% các Trạm đăng kiểm để tăng cường công tác giám sát;cải cách triệt để thủ tục hành chính, thay thế Sổ chứng nhận kiểm định bằng Giấy chứng nhận kiểm định, giảm phiền hà cho chủ phương tiện; xử lý triệt để hiện tượng phương tiện nhập khẩu cũng như đóng mới và hoán cải trong nước có sức chứa vi phạm quy định về tải trọng trên các trục xe; tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho đăng kiểm viên; tiến hành tổng kết việc thực hiện thí điểm xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành và đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Có thể nói, trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể, tổ chức quốc tế và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân cả nước thì công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tình hình TNGT trên địa bàn cả nước trong các tháng cuối năm 2013 (từ tháng 8 đến tháng 12) đã được kiềm chế, số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương vì TNGT đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012, từ đó đã góp phần kéo giảm TNGT năm 2013 cả 3 tiêu chí so với năm 2012; đây cũng là năm thứ hai mà số người chết vì TNGT tiếp tục giảm xuống dưới 10.000 người. Cụ thể: trong năm 2013, trên toàn quốc đã xảy ra 29.385 vụ TNGT, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.610 vụ (-5,19%), giảm 55 người chết (-0,58%), giảm 3.045 người bị thương (-9,36%).

Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm cả 3 tiêu chí so với dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013. Cụ thể, trong 09 ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, toàn quốc đã xảy ra 338 vụ TNGT, làm chết 275 người, làm bị thương 322 người, so với 09 ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 giảm 60 vụ (-15.07%), giảm 50 người chết (-15,38%), giảm 41 người bị thương (-11,29%).

Tuy nhiên, kết quả kiềm chế, giảm TNGT chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do TNGT vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng; vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng trên đường bộ; vẫn còn hiện tượng một số phương tiện giao thông đã được đăng kiểm nhưng không bảo đảm an toàn; tình trạng xe chở quá khổ, quá tải vẫn chưa được xử lý triệt để; việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng, các ngành chức năng còn chưa đáp ứng được với yêu cầu của công tác bảo đảm TTATGT (như ý kiến kiến nghị của cử tri). Đây thực sự là thách thức và là nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn đối với an sinh và trật tự, an toàn xã hội, đòi hỏi Chính phủ, các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân trong thời gian tới cần phải tiếp tục có những hành động quyết liệt, cụ thể để triển khai đồng bộ những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu tối đa TNGT.

Bộ Giao thông vận tải xin tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành quán triệt đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo đảm TTATGT, lấy chủ đề hành động của năm 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: