Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Hiện nay, môn ngoại ngữ đưa vào môn thi bắt buộc tốt nghiệp THPT; Để đảm bảo chất lượng, đề nghị có giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn ngoại ngữ.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: An Giang   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chất lượng giáo dục   

Trả lời:

Tại công văn số 6161/BGDĐT-VP ngày 09/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Trong giai đoạn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nhà nước đã có nhiều chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học nói chung và chất lượng của dạy và học ngoại ngữ nói riêng. Nhiều ngoại ngữ được dạy đồng thời thay vì chỉ một vài ngoại ngữ chính nhằm đáp ứng các xu hướng xã hội như toàn cầu hoá, đổi mới công nghệ, đặc biệt là nhu cầu về công nghệ thông tin và nhu cầu học tập suốt đời, giúp Việt Nam có nền kinh tế tri thức, bước vào nền văn minh trí tuệ.

Ngày 30/09/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” nhằm hướng tới các mục tiêu: Thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, đảm bảo đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên, đồng thời triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện để đến năm 2020 tăng đáng kể tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hoá, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn ngoại ngữ trong trường phổ thông. Cụ thể:

(1) Đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, tổ chức dạy và học ngoại ngữ. Trong đó chú trọng việc xây dựng Bảng trình độ năng lực ngoại ngữ chi tiết, gồm 6 bậc, tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế thông dụng; Xây dựng chương trình và biên soạn các sách giáo khoa tương ứng đối với Chương trình ngoại ngữ 10 năm bắt đầu từ lớp 3 cho đến hết lớp 12; Khuyến khích các trường học và cơ sở giáo dục có nhu cầu và điều kiện xây dựng các chương trình dạy và học ngoaị ngữ với thời lượng nhiều hơn và với trình độ năng lực ngoại ngữ cao hơn so với Chương trình ngoại ngữ 10 năm ở các cấp học; Xây dựng và triển khai các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ cho một số môn phù hợp ở các trường trung học phổ thông, một số môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành và tự chọn ở một số ngành trọng điểm trong chương trình năm cuối bậc đại học; Xây dựng ngân hàng câu hỏi, đánh giá trình độ sử dụng ngoại ngữ. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học, kiểm tra và đánh giá. Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ trong các trường, các khoa sư phạm phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của việc đổi mới.

(2) Đảm bảo đội ngũ giáo viên/giảng viên ngoại ngữ đủ về số lượng, có trình độ cao, hợp lý về cơ cấu và đa dạng về nguồn tuyển dụng: Tạo cơ chế chính sách để các trường, trước hết là các trường phổ thông (tập trung chủ yếu ở cấp tiểu học và trung học cơ sở), được bổ sung đủ số giáo viên ngoại ngữ phù hợp với lộ trình triển khai Đề án; Rà soát và tiến hành đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao trình độ giáo viên ngoại ngữ hiện có, chú trọng vào nâng cao năng lực ngoại ngữ, bồi dưỡng về các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hiện đại cũng như các kĩ năng phụ trợ khác như: kĩ năng sử dụng thiết bị đa phương tiện, khả năng khai thác Internet và các phần mềm chuyên dụng... Khuyến khích bồi dưỡng giáo viên đạt chứng chỉ quốc tế thông qua các khoá tập huấn quốc tế trong nước và nuớc ngoài; Tiến hành các khoá bồi dưỡng sư phạm và cấp chứng chỉ sư phạm ngoại ngữ 6 tháng cho những người có trình độ ngoại ngữ phù hợp muốn trở thành giáo viên/giảng viên ngoại ngữ; Khuyến khích mạnh mẽ các trường mời hoặc tuyển dụng các công dân Việt Nam có trình độ ngoại ngữ giỏi tham gia giảng dạy ngoại ngữ trong nhà trường. Khuyến khích và tạo cơ chế cho các trường, đặc biệt là các trường phổ thông chuyên ngữ, trường phổ thông có chương trình ngoại ngữ tăng cường, song ngữ, các trường đại học mời hoặc tuyển dụng các giáo viên là người Việt Nam đang sống ở nước ngoài hoặc người nước ngoài bản ngữ. Khuyến khích sử dụng các giáo viên ngoại ngữ do các tổ chức tình nguyện của các nước nói tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc.

(3) Nâng cao nhận thức, ban hành các chính sách chế độ phù hợp đối với dạy và học ngoại ngữ: Tiến hành các hoạt động tuyên truyền giải thích nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; Ban hành các quy định về chỉ tiêu, chế độ đối với giáo viên ngoại ngữ, các cán bộ phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ. Ban hành chính sách đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất về dạy và học ngoại ngữ theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm; Tăng cường trang bị cơ sở vật chất và thiết bị thiết yếu cho việc dạy và học ngoại ngữ; Xây dựng danh mục thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho từng cấp học và trình độ đào tạo. Ban hành tiêu chuẩn phòng học tiếng nước ngoài, phòng nghe nhìn và phòng đa phương tiện; Từng bước tiến hành mua sắm và trang bị các trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ phù hợp với lộ trình triển khai Đề án; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và kỹ thuật viên nhằm sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy và học ngoại ngữ, khai thác đúng mục đích các nguồn thông tin, tư liệu nước ngoài, đặc biệt là Internet, phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ.

(4) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ:  Nhà nước dành ưu tiên một phần nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức cho giáo dục và đào tạo để tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ cho một số trường phổ thông, trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, đại học, đặc biệt là các trường cao đẳng, đại học chuyên ngoại ngữ;  Tăng cường và mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế đa dạng về dạy và học ngoại ngữ ở cấp độ trường,  khuyến khích các chương trình hợp tác giữa nhà trường với các tổ chức khác nhau của quốc gia có bản ngữ hoặc ngôn ngữ quốc gia phù hợp với ngoại ngữ đang được dạy và học ở trường đó, tạo điều kiện đến năm 2015 đảm bảo một bộ phận giáo viên ngoại ngữ của các trường phổ thông nghiệp được đi tham quan học tập, bồi dưỡng chuyên môn ở các nước có bản ngữ hoặc ngôn ngữ quốc gia phù hợp với ngoại ngữ đang được dạy và học ở trường đó, khuyến khích các chương trình trao đổi giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên bản ngữ tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ trong các trường cao đẳng và đại học.

Có chính sách quốc gia rõ ràng và mạnh dạn về việc cử giảng viên và sinh viên tới các nước có bản ngữ hoặc ngôn ngữ quốc gia phù hợp với ngoại ngữ đang được dạy và học để giảng dạy, học tập dưới mọi hình thức. Đồng thời có chính sách và chế độ thích đáng để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài có trình độ, đặc biệt là các đối tượng do các tổ chức tình nguyện quốc tế cung cấp. Tập trung ưu tiên cho các trường triển khai các chương trình đào tạo đã được lựa chọn của nước ngoài và bằng tiếng nước ngoài trong một số lĩnh vực tự nhiên và công nghệ.

(5) Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ việc sử dụng ngoại ngữ, nâng cao mạnh mẽ động cơ học ngoại ngữ của thế hệ trẻ: Xây dựng và duy trì môi trường tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ như hệ thống thư viện, mạng internet v.v...

Cho đến năm 2013, việc triển khai Đề án đã được tiến hành mạnh mẽ và sâu rộng. Bên cạnh 4 ngoại ngữ chính là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng  Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản và tiếng Đức cũng bắt đầu được dạy và học thí điểm tại một số trường phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khuyến khích việc dạy các ngoại ngữ này và thêm một số ngoại ngữ khác khi có điều kiện và nhu cầu của xã hội.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: