Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Nhiều cử tri là giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục cho rằng: chương trình kế hoạch dạy học 37 tuần như hiện nay ở bậc THPT là quá dài, chỉ nên ở mức 33 hoặc 34 tuần thực học là đủ; đồng thời, đề nghị nghiên cứu giảm tải chương trình học của cấp tiểu học vì hiện nay chương trình quá tải cho cả học sinh và giáo viên, nhất là tình trạng các trường đang dạy nhiều chương trình khác nhau gây quá tải cho giáo viên đứng lớp.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Hải Phòng    Lạng Sơn    Kiên Giang   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chất lượng giáo dục   

Trả lời:

Tại công văn số 6164/BGDĐT-VP ngày 09/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

1) Về chương trình kế hoạch dạy học cấp trung học phổ thông

Từ năm học 2006-2007 trở về trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục 33 tuần; Từ năm học 2007-2008, trên toàn quốc, thực hiện kế hoạch giáo dục 35 tuần.    

Qua đợt đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông tháng 5/2008 cho thấy, với chương trình hiện hành, kế hoạch giáo dục 35 tuần/năm học là không phù hợp, vì theo đó các trường phải dạy 31-33 tiết/tuần, có những buổi phải học 6 tiết hoặc phải học cả buổi sáng và buổi chiều. Điều này không chỉ gây khó khăn cho học sinh mà cho cả nhà trường, một số nơi thiếu phòng học và giáo viên không có thời gian sinh hoạt chuyên môn và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Sau khi tham khảo ý kiến của các sở giáo dục và đào tạo, để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện kế hoạch giáo dục cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông là 37 tuần, vẫn giữ nguyên các nội dung của chương trình, sách giáo khoa.

Thực tế những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành khung phân phối chương trình, việc xây dựng phân phối chương trình chi tiết giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục quyết định. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, các nhà trường thực hiện dạy học linh hoạt, chủ động điều chỉnh trong phạm vi cho phép về nội dung, thời gian, thời lượng dạy học trên cơ sở bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn thực hiện phù hợp với vùng miền; Chủ động bố trí thời gian bắt đầu năm học, thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ lễ hội theo tập quán từng vùng, từng dân tộc, nghỉ khi gặp thiên tai, dịch bệnh bất thường. Trên cơ sở rà soát chương trình, sách giáo khoa, ngày 01/9/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 5842/BGDĐT-VP hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải.

Với cách điều chỉnh như trên đã tăng quyền chủ động cho các sở giáo dục và đào tạo, các trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục. Vì vậy, việc  thực hiện kế hoạch dạy học 37 tuần như hiện nay không gây khó khăn cho các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh.

2) Về việc giảm tải chương trình học cấp tiểu học

Giáo dục tiểu học trên toàn quốc đang thực hiện thống nhất một Chương trình giáo dục phổ thông theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về cơ bản, chương trình bám sát mục tiêu giáo dục được quy định tại Luật Giáo dục, thể hiện được quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng, Nhà nước; đảm bảo tính khoa học và sư phạm; đảm bảo tính khả thi; và cơ bản không đặt ra yêu cầu về kiến thức, kĩ năng cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới...

Tuy nhiên, chương trình, sách giáo khoa tiểu học cũng bộc lộ những hạn chế, thiếu sót: Một số nội dung trong sách giáo khoa còn dài, khó, đặc biệt là đối với những vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc, miền núi, một bộ phận vùng nông thôn...

Khắc phục những hạn chế, thiếu sót của chương trình, sách giáo khoa tiểu học, từ năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các địa phương điều chỉnh nội dung, yêu cầu các môn học và hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học của các địa phương: Tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học ở tiểu học;  Công văn số 7975/BGDĐT-GDTH ngày 10/9/2009 về Hướng dẫn dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật ở tiểu học; Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 01 tháng 9 năm 2011 về Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông.

Chỉ đạo rà soát sách giáo khoa các môn học; lồng ghép, tích hợp các nội dung: bảo vệ môi trường; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quyền và bổn phận của trẻ em; bình đẳng giới; an toàn giao thông; phòng chống tai nạn thương tích; phòng chống HIV/AIDS;  ... vào các môn học và hoạt động giáo dục. Việc tích hợp cần đảm bảo tính hợp lí, hiệu quả, không gây áp lực học tập đối với học sinh và giảng dạy đối với giáo viên.

Ngày 16/5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17/2012/TT- BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm để tránh quá tải cho giáo viên và học sinh. Thông tư quy định không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các sở giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, thanh tra việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo thẩm quyền được quy định tại Thông tư và các quy định của UBND tỉnh, thành phố.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: