Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định các tổ chức tín dụng giảm mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay xuống 2% thay vì 3% như hiện nay để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Gia Lai   

Đơn vị xử lý: Ngân hàng nhà nước Việt Nam   

Lĩnh vực: Ngân hàng nhà nước Việt Nam   

Trả lời:

Tại công văn số 6489/NHNN-VP ngày 09/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, giảm chi phí vay vốn trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, trong 8 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát. Đồng thời, áp dụng trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) nhằm hỗ trợ phát triển lĩnh vực này; Điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay bằng VND phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ,, đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, tổ chức tín dụng và người vay [27]. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định pháp luật; tích cực giảm lãi suất cho vay (kể các các khoản cho vay cũ) về mức dưới 13%/năm để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân.

Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh. Lãi suất huy động giảm khoảng 2-4%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 3-5%/năm so với cuối năm 2012 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Lãi suất của các khoản vay cũ cũng được các tổ chức tín dụng tích cực giảm. Đến ngày 15/8/2013, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 8,86%, giảm so với tỷ trọng 20,6% cuối năm 2012 và mức 65,8% trước ngày 15/7/2012; tỷ trọng của các khoản vay có lãi suất trên 13%/năm chiếm khoảng 25,77%, giảm so với mức 66,65% cuối năm 2012.

Ngân hàng Nhà nước không quy định cụ thể chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng vì các tổ chức tín dụng khác nhau có khả năng huy động vốn, kinh doanh, năng lực quản trị là khác nhau, việc quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng nhỏ. Mặt khác, nếu quy định chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở một mức cố định, chẳng hạn 2%/năm thì các tổ chức tín dụng vẫn có thể tăng lãi suất huy động, theo đó tăng lãi suất cho vay mà không bị vi phạm nội quy, như vậy sẽ không đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khăn cho doanh nghiệp.

Thực tế từ đầu năm 2012 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhanh và mạnh hơn so với mặt bằng lãi suất huy động khiến cho chênh lệch lãi suất cho vay và huy động của các tổ chức tín dụng ngày càng thu hẹp, cho thấy hệ thống ngân hàng đã tích cực trong việc chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: