Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được tăng cường, tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thông qua việc xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri… hoạt động giám sát đã bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Qua đó, kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập; đề xuất các kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật, chấn chỉnh các sai sót, khuyết điểm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Kết quả hoạt động giám sát đã đóng góp tích cực vào hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, được đại biểu Quốc hội và cử tri hoan nghênh, đánh giá cao. Tuy nhiên, do nguồn lực của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có hạn trong khi yêu cầu thực tế cuộc sống rất cao nên hoạt động giám sát còn chưa đạt được yêu cầu đặt ra.
Để khắc phục hạn chế nêu, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát, trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát thông qua các hình thức giám sát như: giám sát chuyên đề; chất vấn; báo cáo giải trình tại Hội đồng, Uỷ ban; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri... Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 417/2003/UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, trong đó, thành lập mới Vụ phục vụ hoạt động giám sát để phục vụ các hoạt động giám sát chung của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội.
Đồng thời, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tổng kết Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, trên cơ sở đó, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém để kiến nghị Quốc hội sửa đổi một cách toàn diện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, nhằm phát huy chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong quá trình tổng kết, sửa đổi Luật này, đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, góp phần tích cực để hoàn thiện cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, là điều kiện cần để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.