Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị tăng cường công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm bán ở đường phố, thực phẩm cung cấp tại các bữa ăn ca của công nhân tại các doanh nghiệp.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Hưng Yên   

Đơn vị xử lý: Bộ y tế   

Lĩnh vực: Vệ sinh, an toàn thực phẩm   

Trả lời:

Tại công văn số 5468/BYT-VPB1 ngày 04/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ với nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được đặc biệt quan tâm, cụ thể:

1. Vấn đề quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất:

Hiện nay, cả nước hiện có 256 khu công nghiệp/khu chế xuất, phân bố ở 61 tỉnh/thành phố. Các khu công nghiệp, khu chế xuất đã bảo đảm cho 1,17 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,5 triệu lao động gián tiếp. Nhu cầu đối với bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn hiện là rất lớn cho hàng triệu người lao động mỗi ngày. Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bữa ăn của công nhân là hết sức quan trọng. Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều biện pháp kiểm soát vấn đề này:

- Tổ chức cuộc họp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vào ngày 27/6/2013 nhằm đánh giá thực trạng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để từ đó đề xuất giải pháp quản lý trong thời gian tới. Một số biện pháp cần triển khai trong thời gian tới bao gồm:

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ cơ sở và người công nhân thấy được tầm quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn của người lao động.

+ Các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn tại khu công nghiệp, khu chế xuất; Nâng cao vai trò của các tổ chức công đoàn, mạng lưới vệ sinh viên trong việc giám sát an toàn thực phẩm; Bộ Y tế và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cần xây dựng Kế hoạch phối hợp hằng năm để triển khai hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm cho công nhân lao động; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có chính sách khen thưởng đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho công nhân.

+ Kiến nghị với Chính phủ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức bếp ăn tập thể phục vụ người lao động về đất, vốn, thuế…

+ Bộ Y tế sẽ xây dựng quy định về mức năng lượng đối với từng loại hình lao động.

 - Tổ chức Hội thảo chuyên đề về ngộ độc bếp ăn tập thể nhằm đánh giá tình hình và tìm giải pháp kiểm soát.

- Yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống ngộ độc cho các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

- Nhân rộng và tuyên truyền các mô hình bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.

2. Vấn đề quản lý an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố:

Hiện nay, hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố không ngừng gia tăng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về địa điểm phục vụ, chủng loại thức ăn và giá cả phù hợp, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát (tỷ lệ ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân do thức ăn đường phố chiếm 3,2 – 5,7% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm ghi nhận trong mỗi năm); điều kiện vệ sinh cơ sở không bảo đảm, mất mỹ quan đô thị, việc sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc còn khá phổ biến... đã gây ra dư luận bức xúc cho cộng đồng.

Để kiểm soát vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, cụ thể như sau:

- Ban hành Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố và xây dựng Kế hoạch số 106/KH - ATTP ngày 26 tháng 2 năm 2013 về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2013 – 2014.

- Ban hành hướng dẫn chuyên môn, các tài liệu kỹ thuật để các địa phương triển khai quản lý điều kiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố.

- Tiếp tục tuyên truyền nâng cao hiểu biết và việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố tại các địa phương trong toàn quốc.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Đặc biệt tập trung 10 tỉnh, thành phố trọng điểm trong Kế hoạch số 106/KH-ATTP ngày 26 tháng 2 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Việc quản lý điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố là một vấn đề rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi lâu dài vì:

- Đối tượng quản lý đông, phân bố trên diện rộng và chủ yếu là người lao động nghèo. Đặc biệt đây là nhóm đối tượng nhạy cảm với dư luận xã hội.

- Chủ thể quản lý là Ủy ban nhân dân các cấp mà trực tiếp là ngành y tế đang phải triển khai rất nhiều nội dung quản lý về an toàn thực phẩm. Quản lý an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố đòi hỏi đồng bộ từ quản lý chỉ đạo đến các giải pháp thực hiện và phải tập trung các nguồn lực nên rất khó khăn.

- Để quản lý an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố có hiệu quả đòi hỏi sự đồng thuận triệt để, là công việc thường xuyên, liên tục, đòi hỏi trách nhiệm của các ngành, các cấp, các địa phương và đặc biệt là sự tự giác của người kinh doanh thức ăn đường phố.

Bộ Y tế trân trọng đề nghị Đại biểu Quốc hội, cử tri có kiến nghị với các cấp, các ngành tại địa phương tăng cường quan tâm, chỉ đạo, giám sát việc đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: