Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri kiến nghị với Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ ngành liên quan sớm triển khai việc cho vay ưu đãi trên lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tăng mức cho vay và thời hạn cho vay; tiếp tục cải tiến thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho nông dân  được vay vốn để đầu tư sản xuất (theo Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn).

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Đồng Nai   

Đơn vị xử lý: Ngân hàng nhà nước Việt Nam   

Lĩnh vực: Ngân hàng nhà nước Việt Nam   

Trả lời:

Tại công văn số 6321/NHNN-VP ngày 04/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Nông nghiệp nông thôn luôn là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhất là về nguồn vốn phục vụ phát triển lĩnh vực này. Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ (Nghị định 41) về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã khơi thông nguồn vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo ra sự đồng thuận trong nhận thức về vai trò quan trọng của nguồn vốn đầu tư tín dụng trong cả hệ thống chính trị và hệ thống ngân hàng. Theo đó, để triển khai hiệu quả Nghị định này Chính phủ không chỉ giao trách nhiệm cho Ngành ngân hàng mà yêu cầu các Bộ, Ngành và địa phương cùng phối hợp triển khai thực hiện.

Việc triển khai chính sách tín dụng về cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 đã giúp các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực này tiếp cận được nhiều hơn, hiệu quả hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng lên đáng kể, góp phần quan trọng giúp ngành nông nghiệp phát triển ổn định và đạt được những kết quả to lớn, đặc biệt đối với các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, cà phê… Đến 30/06/2013, dư nợ cho vay đạt 621.584 tỷ đồng, tăng 10,69% so với cuối năm 2012 và tăng 2,2 lần so với năm 2009 thời điểm trước khi Nghị định 41 ra đời.

Theo quy định hiện hành, thời hạn cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng. Các cá nhân, hộ sản xuất có thể được vay vốn đến 50 triệu đồng, hộ kinh doanh được vay đến 200 triệu đồng, hợp tác xã, chủ trang trại được vay đến 500 triệu đồng mà không cần phải có tài sản bảo đảm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận với các chính sách tín dụng Nhà nước nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ trong việc cấp tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, rà soát và hoàn thiện hồ sơ tín dụng theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ. Đối với hộ nông dân vay vốn dưới 50 triệu theo Nghị định 41, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã áp dụng hình thức tín dụng thông qua sổ vay vốn do ngân hàng cấp là có thể được giải ngân vốn vay. Các hình thức tổ tiết kiệm, tổ vay vốn, cho vay và thu nợ (gốc, lãi) ngay tại địa bàn của người vay thay vì phải đến trụ sở ngân hàng là những cải cách được người dân nhiệt tình ủng hộ. Ngoài ra, các TCTD đã tích cực thực hiện các biện pháp xem xét gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ trong trường hợp khách hàng gặp khó khăn về nguồn trả nợ ngân hàng, đồng thời đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp, như cho vay 2 vụ liên tiếp trong năm và khách hàng chỉ phải trả lãi khi thu hoạch vụ thứ nhất (cho vay liên vụ) mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt nam đang thực hiện.

Có thể thấy sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 41 đã đạt được nhiều kết quả, nhận được sự ủng hộ đồng tình của đông đảo người dân, tuy nhiên, trong thực tế cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 41, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc sau 3 năm triển khai thực hiện, từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến nâng mức cho vay không cần tài sản đảm bảo cho khách hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn cao.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực: