Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Năm 2013 là năm cảnh báo khó khăn của người nuôi cá tra, cá basa, nông dân trồng mía tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể thấy có một phần trong những năm qua ngành nông nghiệp không quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định; khi giá cá, giá mía tăng cao thì nông dân tại các tỉnh đầu tư nuôi trồng vượt quá sản lượng thu mua tại các nhà máy (cung vượt cầu) làm cho giá cá nguyên liệu, giá mía giảm mạnh nông dân thua lỗ. Nhằm bảo đảm ổn định cho vùng nguyên liệu kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng quy hoạch lại diện tích và giao cho các tỉnh quy hoạch lại vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất không được vượt quá sản lượng thu mua của các nhà máy nhằm ổn định lại diện tích nuôi, trồng trong thời gian tới.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Hậu Giang   

Đơn vị xử lý: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn   

Lĩnh vực: Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới   

Trả lời:

Tại công văn số 3061/BNN-TCTS ngày 04/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chân thành chia sẻ những khó khăn của người nuôi cá tra, cá basa và nông dân trồng mía hiện đang gặp phải và trân trọng những ý kiến góp ý của cử tri tỉnh Hậu Giang; với những vấn đề cử tri quan tâm Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến như sau:

- Ngày 07/10/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 102 /2008/QĐ-BNN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; theo đó UBND các tỉnh đã có quy hoạch chi tiết. Đồng thời trong quá trình chỉ đạo điều hành sản xuất căn cứ vào khả năng hấp thụ của thị trường và hàng năm Bộ đã có những định hướng để UBND các tỉnh thực hiện, cụ thể từ năm 2010 đến nay Bộ ra chủ trương ổn định diện tích nuôi 5.500-6.000 ha và sản lượng 1,1-1,2 triệu tấn/năm; tuy nhiên do việc quản lý quy hoạch tại các địa phương còn hạn chế nên dẫn đến  tại một số nơi một số hộ dân nuôi ngoài vùng quy hoạch, nuôi mật độ cao nên đã phá vỡ quy hoạch và định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra;

- Hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định về Nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra (trong đó có nội dung quy định về quy hoạch và xác định nguyên tắc, thẩm quyền và tổ chức thực hiện trong lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch nuôi, chế biến cá tra) đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các Bộ ngành, địa phương tổ chức các giải pháp để chấn chỉnh lại và thúc đẩy nghề nuôi,chế biến và xuất khẩu cá tra phát triển bền vững.

2. Về mía đường

Từ khi ra đời ngành mía đường luôn gặp khó khăn do hầu hết các nhà máy đường thiếu nguyên liệu chế biến, hàng năm nước ta phải nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn đường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg ngày 15/02/2007 Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế các tỉnh, trong đó có UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt kế hoạch, quy hoạch cho vùng mía nguyên liệu có sự điều chỉnh hàng năm để phù hợp với sản xuất, chế biến đường tại địa phương mình.

Theo Quyết định trên, đến năm 2010 mục tiêu về diện tích, năng suất cơ bản đã đạt được. Sản xuất đường đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và bắt đầu xuất khẩu trong 02 năm gần đây. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay chúng ta đã thực hiện được mục tiêu diện tích mía cả nước đến năm 2020 đạt 300 nghìn ha. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất hiện nay từ 64 tấn/ha lên 80 tấn/ha vào năm 2020. Kết quả trên có được nhờ có sự cố gắng của ngành mía đường và các địa phương trên cả nước.

Thực tế vụ ép vừa qua do giá đường thế giới xuống thấp, việc kiểm soát đường nhập lậu có lúc, có nơi chưa chặt chẽ đã ảnh hưởng đến tiêu thụ đường trong nước nên đã phần nào ảnh hưởng đến giá mua mía. Mặc dù vậy các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ mía đường vẫn giữ giá mua mía ở mức hợp lý và tổ chức mua hết mía cho người dân để đảm bảo lợi ích cho người trồng mía cũng như nhằm ổn định vùng nguyên liệu của mình. Đây được đánh giá là sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp mía đường đã được đánh giá tại Hội nghị tổng kết mía đường của Bộ Nông nghiệp và PTNT họp ngày 25/7/2013 tại Vị Thanh, Hậu Giang.

Việc người dân vì lợi ích trước mắt khi thấy các loại nông sản, trong đó có cây mía có giá cao thường tự ý trồng vượt quy hoạch dẫn đến tình trạng cung, cầu không hợp lý đã được các đơn vị chức năng Bộ chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương hướng dẫn, tư vấn người dân trồng đúng quy hoạch để đảm bảo ổn định đầu ra của sản phẩm.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: