Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị Nhà nước có chính sách khám lại đối với những người có xếp hạng thương tật dưới 20% và ở vùng phơi nhiễm chất độc da cam; đồng thời hàng năm cần khám lại các đối tượng đang hưởng chế độ chất độc da cam để xác minh có đúng bị nhiễm hay không.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Hải Dương   

Đơn vị xử lý: Bộ lao động, thương binh và xã hội   

Lĩnh vực: Chính sách người có công   

Trả lời:

Tại công văn số 3532/LĐTBXH-VP ngày 17/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

a. Về khám, giám định lại tỷ lệ suy giảm khả năng lao động đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học:

Để đảm bảo công bằng và phù hợp trong tổng thể chính sách chung với những đối tượng người có công khác, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi, bổ sung) hiện tại không quy định việc khám, giám định lại; giám định hàng năm đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học.

b. Về công tác xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học:

Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, ngày 09/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, trong đó đã quy định điều kiện, căn cứ xác nhận, thủ tục hồ sơ để giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ.

Theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013, Chính phủ giao Bộ Y tế có nhiệm vụ:

- Ban hành danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học để xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

- Hướng dẫn, quy định về tiêu chuẩn thương tật, bệnh tật, dị dạng, dị tật và tổ chức khám, giám định đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của người có công.

Đề nghị cử tri có ý kiến với Bộ Y tế trong việc thực hiện đúng quy định của Chính phủ.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Y tế thực hiện việc xác định và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đảm bảo chính xác, khoa học và kịp thời cho đối tượng.

c. Về kiến nghị xác nhận đối với những trường hợp không còn giấy tờ gốc:

Trong những năm qua, tình trạng man khai hồ sơ, giả mạo nhân chứng hoặc xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ ưu đãi người có công, đặc biệt là chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ xảy ra rất nghiêm trọng và phức tạp, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Vì vậy, đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, chính sách hiện hành quy định nhất thiết phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình và công bằng đối với các đối tượng người có công khác.

d. Về kiến nghị thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm:

Như cử tri phản ánh, thực tế trong thời gian qua, tình trạng giả mạo hồ sơ đối tượng chính sách người có công đã diễn ra tại nhiều địa phương. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và cắt trợ cấp của hàng ngàn đối tượng làm giả hồ sơ hưởng chế độ.

Từ năm 2008 đến năm 2013, tổng số đối tượng bị đình chỉ trợ cấp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 7.085 người, trong đó: Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: 4.016 người, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: 2.048 người, bệnh binh: 565 người, đối tượng hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ: 265 người, người có công giúp đỡ cách mạng: 127 người, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: 38 người, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: 15 người, Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 07 người, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945: 03 người, người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: 01 người.

Trong tổng số 7.085 đối tượng bị đình chỉ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, có: 1.560 người giả mạo hồ sơ; 2.670 người man khai hồ sơ; 2.855 người lý do khác.

Tổng số tiền đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước là trên 75,5 tỷ đồng của 3.378/7.085 đối tượng bị đình chỉ trợ cấp.

Tổng số đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự (chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra) là: 1.762 người.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra công tác xác nhận người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng, kiên quyết xử lý những trường hợp đã xác nhận không đúng quy định.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: