Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo các mặt hàng đều tăng, nông dân sản xuất không lời, tác động đến đời sống xã hội. Đề nghị Chính phủ có biện pháp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước hợp lý so với thế giới, khi tăng thì tăng nhiều, nhưng giảm thì nhỏ giọt và chỉ đạo công khai quỹ bình ổn giá để nhân dân được biết, đồng thời giao cho một đơn vị quản lý, không nên giao thẳng cho danh nghiệp hoặc công ty thực hiện, nhằm giữ được mức sống của người dân.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: An Giang    Kiên Giang    Cần Thơ    Tây Ninh    Bình Phước    Bà Rịa - Vũng Tàu    Điện Biên   

Đơn vị xử lý: Bộ tài chính   

Lĩnh vực: Giá   

Trả lời:

Tại công văn số 11118/BTC-QLG ngày 20/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Về nội dung liên quan đến điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua:

Xăng dầu là mặt hàng có tác động trực tiếp tới sản xuất và đời sống người dân. Tuy nhiên, sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, 70% sản lượng xăng dầu phải nhập khẩu. Vì vậy, giá bán xăng dầu trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới. Việc quản lý, điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua, Liên Bộ Tài chính- Công Thương luôn thực hiện thận trọng và tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành và tuân theo tín hiệu thị trường, có tăng có giảm theo diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới; đồng thời quan tâm tới sự tác động đến nền kinh tế và người dân: mỗi khi điều chỉnh giá đều tính toán xem xét mức độ tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân để có những biện pháp thích hợp hạn chế tác động bất lợi đến nền kinh tế thông qua việc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thị trường.

Trong quá trình điều hành giá xăng dầu thời gian qua Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã bám sát các nội dung của Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản liên quan, thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở (bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thành phẩm thế giới - không phải giá dầu thô), thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá (10 ngày) để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán, đăng ký và các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện kiểm tra giám sát các mức giá trước khi thực hiện việc điều chỉnh giá.

Tuy nhiên, cử tri vẫn cho cho rằng giá xăng dầu trong nước “khi tăng thì tăng nhiều, khi giảm thì nhỏ giọt”. Bộ Tài chính xin báo cáo và làm rõ thêm như sau: Như đã trình bày nguyên tắc điều hành ở trên, việc điều hành giá xăng dầu cần được đánh giá toàn diện cả một quá trình chứ không chỉ nhìn nhận một chiều ở một thời điểm cụ thể.

- Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ, trong nhiều thời điểm điều hành khi giá thế giới tăng cao tạo sự chênh lệch giữa giá bán lẻ trong nước và giá cơ sở tính toán theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, lẽ ra giá xăng dầu trong nước cần phải điều chỉnh tăng để bù đắp phần chênh lệch này[3] nhưng giá trong nước hoặc là không điều chỉnh tăng hoặc chỉ tăng một phần chứ không phải tăng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở tại thời điểm tính toán và mức giá bán hiện hành; phần chênh còn lại được bù đắp ở khoản Quỹ Bình ổn giá (sau đây viết tắt là Quỹ BOG) và/hoặc doanh nghiệp chia sẻ không tính hoặc không tính đủ khoản lợi nhuận định mức xăng dầu (quy định 300 đồng/lít,kg), khi các công cụ tài chính (Quỹ BOG, thuế nhập khẩu...) đã sử dụng hết mà giá xăng dầu thế giới vẫn tăng thì buộc phải tăng giá xăng dầu trong nước tương ứng với phần chênh lệch còn lại.

Ví dụ ngay tại thời điểm điều hành ngày 17/7/2013 vừa qua: Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối trước mắt tạm tính lợi nhuận định mức chỉ ở mức 1/3 theo quy định trong cơ cấu giá cơ sở đối với mặt hàng xăng đồng thời cho phép doanh nghiệp sử dụng Quỹ BOG từ 300 đồng/lít đối với dầu điêzen, dầu hỏa nên mức điều chỉnh giá tại thời điểm này được kiềm chế (mức tăng tối đa chỉ từ 426 – 470 đồng/lít). Nếu tính đầy đủ các yếu tố thì sẽ phải điều chỉnh tăng giá từ 726 đến 988 đồng/lít (xăng RON 92: 988 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S: 770 đồng/lít, dầu hỏa: 726 đồng/lít).

Khi giá xăng dầu thế giới giảm (phải tính theo số ngày dự trữ lưu thông bình quân 30 ngày, không phải giá thế giới giảm tính theo từng ngày và giá trong nước có thể giảm ngay được) việc điều hành giá xăng dầu trong nước phải cân nhắc phục hồi các công cụ đã sử dụng trước đó. Ví dụ: như cần giảm hoặc ngừng sử dụng Quỹ BOG, khôi phục lại lợi nhuận định mức đã cắt/giảm trước đó để doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đảm bảo việc cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế và khôi phục lại phần thuế nhập khẩu đã giảm trước đó, nên giá xăng dầu trong nước chưa thể giảm ngay cùng thời điểm hoặc giảm tương ứng theo mức giảm của giá xăng dầu thế giới.

Trong giai đoạn từ  tháng 4/2013 đến giữa tháng 5/2013, giá xăng, dầu thế giới có biến động giảm, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã kịp thời điều hành kinh doanh xăng dầu theo đúng các nguyên tắc đã công bố công khai với công luận trong suốt thời gian qua: đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã yêu cầu doanh nghiệp 03 lần liên tiếp giảm giá xăng dầu trong nước kết hợp với khôi phục một phần thuế suất thuế nhập khẩu).

Như vậy, việc điều hành giá xăng dầu trong nước vừa qua đã được điều hành nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã bám sát theo biến động của giá xăng dầu thế giới,  đồng thời thực hiện việc kiểm tra giám sát và áp dụng các công cụ điều tiết khi cần thiết để bình ổn giá (Quỹ BOG, thuế, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp...) không để giá xăng dầu thế giới tự phát tác động bất lợi đến mục tiêu kiềm chế lạm phát giá.

Trong thời gian tới, Liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp bình ổn giá và các công cụ tài chính khác để bình ổn giá xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh việc điều hành giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước như trên, Bộ Tài chính đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra và có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị phối hợp tăng cường công tác kiểm soát, quản lý và bình ổn giá[4]

Gần đây nhất, ngày 8/8/2013 Bộ Tài chính đã có công văn số 10397/BTC- QLG gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành có liên quan và 63 Sở Tài chính, Cục Thuế  địa phương tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm.

Về nội dung liên quan đến Quỹ BOG, Bộ Tài chính báo cáo như sau:

Hiện nay, việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Quán triệt nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, ngày 29/5/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa ủy quyền Chính phủ có Báo cáo số 211/BC-CP về việc quản lý, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu báo cáo các Đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIII. Báo cáo này đã trình bày cụ thể về cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ BOG; cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện công khai minh bạch trong quản lý Quỹ BOG; đánh giá hiệu quả của Quỹ BOG và công khai chi tiết số trích, sử dụng Quỹ BOG của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối từng thời kỳ.

     Thực hiện việc công khai thông tin thường xuyên hàng quý về Quỹ BOG xăng dầu trên trang điện tử của Bộ Tài chính, mới đây nhất ngày 9/7/2013 sau khi tổng hợp và rà soát báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, Bộ Tài chính đã thực hiện công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, đồng thời gửi các cơ quan thông tấn báo chí để người dân tiện theo dõi.

Thực tế đã chứng minh Quỹ BOG là công cụ hữu hiệu để thực hiện bình ổn giá trong điều kiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, cũng còn một số ý kiến khác nhau về Quỹ BOG; về vấn đề này Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp; trong đó có nội dung về Quỹ BOG (dự kiến Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ dự thảo thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP trong tháng 9 năm 2013).

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: