Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Thủ tục hành chính về khám, chữa bệnh tại các cở sở y tế công lập với người tham gia BHYT còn rất rườm rà, phức tạp; giá thuốc bất hợp lý; thái độ của đội ngũ y, bác sỹ  phục vụ thiếu chu đáo, dẫn đến tâm lý của người bệnh không muốn tham gia BHYT tự nguyện, cũng như đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Đề nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, đồng thời, tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ y bác sỹ tại các cơ sở y tế công lập.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Hà Nội    An Giang    Hải Dương    TP Hồ Chí Minh    Điện Biên   

Đơn vị xử lý: Bộ y tế   

Lĩnh vực: Bảo hiểm y tế   

Trả lời:

Tại công văn số 5468/BYT-VPB1 ngày 04/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Về kiến nghị cải tiến thủ tục khám, chữa bệnh

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, cải tiến thủ tục khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, cụ thể như sau:

-  Tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản hướng dẫn về BHYT cho toàn thể cán bộ nhân viên của đơn vị: Chương trình 527/CTr-BYT ngày 18/6/2009 của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; Quyết định 1313/QĐ - BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện, hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, cải cách tất cả các thủ tục khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4-7 giờ xuống trung bình còn 2-4 giờ, tùy theo các hình thức và loại dịch vụ khám bệnh, giảm phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh.

- Thủ trưởng các đơn vị tổ chức rà soát thủ tục khám chữa bệnh BHYT, bố trí hệ thống đăng ký và nơi khám bệnh một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, bổ sung bảng chỉ dẫn các khoa phòng, bảng hướng dẫn thủ tục khám, chữa bệnh, cung cấp thông tin về khám chữa bệnh BHYT. Các bệnh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, các ô tiếp đón bệnh nhân, thêm chỉ dẫn, phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng nơi khám chữa bệnh để người dân không mất nhiều thời gian chờ đợi. 

 - Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT. Giải quyết một cách khoa học và công bằng trong việc tổ chức khám chữa bệnh, không phân biệt người bệnh tự trả viện phí và người bệnh BHYT, tránh nộp viện phí nhiều lần cho đối tượng có BHYT.

-  Công khai bảng giá viện phí theo quy định; thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả hay được quỹ BHYT thanh toán. Đặc biệt, sau khi Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012 an hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có hiệu lực, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chỉ thị này đã giao trách nhiệm cụ thể cho Giám đốc Sở Y tế, giám đốc các bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gắn với điều chỉnh giá viện phí.

- Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam không ban hành thêm các quy định, thủ tục liên quan đến BHYT để không làm tăng thủ tục hành chính cũng như khối lượng công việc của các bên.

2. Về việc tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ y bác sỹ tại các cơ sở y tế công lập, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh:

Trong thư gửi Hội nghị ngành y tế ngày 27/02/1955, Bác Hồ đã nêu tư tưởng về y đức “Lương y phải như từ mẫu” và tư tưởng này đã trở thành một trong những quan điểm, tư tưởng chính của ngành y tế Việt Nam. Tháng 6 năm 1996, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành “Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế” gồm 12 điều y đức và tổ chức học tập triển khai thực hiện trong tất cả các cơ sở y tế của cả nước.

Trong chương trình đào tạo bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng,... đều có những bài giảng về y đức, về mối quan hệ giữa thầy thuốc, bệnh nhân, gia đình người bệnh trong việc trông coi, chăm sóc bệnh nhân. Từ năm 2009, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng bộ môn Y đức và xã hội học thí điểm tại 02 cơ sở là Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, trong 12 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Y tế đã có 7 cơ sở có bộ môn giảng dạy riêng về y đức gồm Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Tp thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Y Hải Phòng, Trường Đại học Y Thái Bình, Trường Đại học Y tế công cộng, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Bên cạnh đó, 05 cơ sở đào tạo còn lại dạy lồng ghép về y đức với môn học khác liên quan gồm Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Đà Nẵng, Học viện Y Dược Cổ truyền Việt Nam, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương. Ngoài ra, trong chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành Y Dược thuộc các Trường Đại học địa phương cũng đã có những nội dung đào tạo liên quan đến vấn đề y đức.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn về y đức cho cán bộ y tế:

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị về tập huấn Quy tắc ứng xử cho 100% viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế; Phát động nhiều phong trào thi đua nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kết hợp đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành Y tế, nhân dịp kỷ niệm ngày “Thầy thuốc Việt Nam” 27-2 hàng năm.

- Trong năm 2012, Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn về Quy chế dân chủ cho 1624 công chức, viên chức là Lãnh đạo các đơn vị và lãnh đạo các khoa, phòng thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện tuyến tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ.

- Năm 2011 – 2012, Bộ Y tế phối hợp với Công đoàn y tế Việt Nam tổ chức ký cam kết thi đua thực hiện tốt Quy tắc ứng xử; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cá nhân, tập thể trong đơn vị; Tổ chức Hội thi Quy tắc ứng xử trong toàn ngành cho các bệnh viện từ Trung ương đến các địa phương.

- Đặc biệt từ Quý I năm 2013, thực hiện Kế hoạch 1028/KH-BYT ngày 28/11/2012 của Bộ Y tế về việc tổ chức các lớp tập huấn cho công chức, viên chức các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện trong toàn quốc, Bộ Y tế đã trực tiếp tổ chức 11 lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho khoảng gần 5.042 đồng chí là: Giám đốc, Trưởng khoa Khám bệnh, Điều dưỡng trưởng bệnh viện, Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại, khoa Sản của tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện thuộc Sở Y tế trong toàn quốc.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế:

- Thực hiện Chỉ thị 03 - CT/BCT ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 1793/CT-TTg ngày 07/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đầy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hướng dẫn xây dựng Tiêu chí học tập Bác Hồ, vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phòng, khoa, ban.

- Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho Giám đốc, Trưởng khoa Khám bệnh, Điều dưỡng trưởng bệnh viện, Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại, khoa Sản của tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện thuộc Sở Y tế trong toàn quốc.

- Tăng cường chỉ đạo, giám sát việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng y, ngoài việc nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, còn phải nắm thành thạo các tiêu chí đạo đức của người làm y tế.

Bên cạnh việc tổ chức học tập, tập huấn, làm việc thường xuyên, hàng ngày theo các quy định định về y đức, vấn đề y đức còn là một trong những nội dung được Bộ Y tế sử dụng trong tài liệu ôn thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, viên chức của toàn ngành y tế từ nhiều năm nay.

Các câu hỏi cùng địa phương: