Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri cho rằng việc thực hiện chính sách giảm nghèo có nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng rộng; cơ chế chính sách nhiều dẫn đến chồng chéo, phân tán nguồn lực, hiệu quả chưa cao. Để giảm nghèo thực sự bền vững, cử tri đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá lại các chính sách giảm nghèo hiện hành, xác định các chính sách cần tiếp tục thực hiện; chính sách cần sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu ban hành các chính sách mới theo hướng mở rộng đối tượng như: hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; nghiên cứu mức hỗ trợ khác nhau phù hợp với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội, địa bàn khác nhau; phải căn cứ vào đơn vị hành chính, tỷ lệ hộ nghèo, số dân của các tỉnh để phân bổ cho hợp lý; chú trọng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nông thôn mới...

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Thanh Hóa   

Đơn vị xử lý: Bộ lao động, thương binh và xã hội   

Lĩnh vực: Bảo trợ xã hội, giảm nghèo   

Trả lời:

Tại công văn số 3359/LĐTBXH-VP ngày 05/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Trong những năm qua, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo; nhìn chung các chính sách được ban hành đã đi vào cuộc sống, giúp người nghèo cải thiện từng bước điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khá lớn, đời sống người nghèo nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình trên trước hết do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn mặc dù Nhà nước luôn dành nguồn lực lớn cho giảm nghèo nhưng chưa đáp ứng được đầy nhu cầu; bên cạnh đó, một số chương trình, chính sách giảm nghèo chưa đồng bộ, chồng chéo, phân tán, nhiều chính sách còn mang tính ngắn hạn, thiếu sự gắn kết chặt chẽ hướng tới tập trung cho giải quyết mục tiêu giảm nghèo.

Để khắc phục những hạn chế trong việc ban hành các chính sách giảm nghèo thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, trong đó chuyển giao chức năng đề xuất, xây dựng chính sách giảm nghèo cho các Bộ, ngành theo chức năng để bảo đảm tính hệ thống, hạn chế sự chồng chéo. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1200/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 phê duyệt khung kế hoạch triển khai Nghị quyết 80/NQ-CP, trong đó giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành rà soát lại các chính sách giảm nghèo theo từng lĩnh vực, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp.

Định kỳ hàng năm, Chính phủ, Ban Chỉ đạo giảm nghèo Trung ương và các địa phương đều tổ chức sơ, tổng kết đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo. Qua tổng kết, đánh giá đều khẳng định: các chính sách giảm nghèo thời gian qua nhìn chung tương đối phù hợp, đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình và ủng hộ; tuy nhiên, còn thiếu sự đồng bộ, văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, có sự chồng chéo và phân tán nguồn lực nên hiệu quả chưa cao; có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ (chính sách y tế, giáo dục, nhà ở...), trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp (vay vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề); mặt khác, còn thiếu các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục tổ chức rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách giảm nghèo đảm bảo sự thống nhất, những chính sách phát huy hiệu quả tiếp tục duy trì, đẩy mạnh; các chính sách còn hạn chế, vướng mắc cần được khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế. Việc xây dựng các chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng: mở rộng các chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; các chính sách cần được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo được ưu tiên nhất rồi đến hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo trên, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 về tín dụng đối với hộ cận nghèo; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 8/5/2013 về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: